Những ý tưởng tốt đẹp đang dần phá sản
Nếu đi Hội An theo đường ven biển từ Đà Nẵng rẽ qua khu du lịch Furama, chúng ta sẽ lần lượt đi ngang qua 28 khu du lịch, sân golf, khách sạn trên đoạn bờ biển dài chỉ 10 km thuộc địa phận Đà Nẵng. Từ bờ biển phía đông xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) trở đi, cũng chừng ấy các khu du lịch, sân golf nhưng rộng hơn về diện tích và để xây dựng được chúng, hàng ngàn hộ dân chài lưới từ nhiều đời nay sẽ (và đã) phải giải tỏa trắng để giao đất cho nhà đầu tư. Mỗi khu du lịch như vậy, ngoài phần đất trên bờ, nhà đầu tư còn "sở hữu" hàng trăm mét bờ biển đẹp để làm bãi tắm dành riêng cho du khách, mà người dân địa phương "không thể nào sờ tới được". Hàng ngàn hộ dân dọc tuyến bờ biển này không thể định cư trong những làng chài kiểu mẫu như ý tưởng mà một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trước đây từng nêu khi chỉ đạo công tác quy hoạch ở địa phương. Các khu nhà ống ven biển - do áp lực dành đất cho du lịch - được xây dựng rầm rộ để tái định cư cho dân.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng từng viết bài về công tác quy hoạch và nhấn mạnh: "Lỗi lầm của phương Tây trong quá trình đô thị hóa của họ là họ đã xóa đi các làng quê. Chúng ta phải tránh lặp lại điều đó...''. Vì vậy việc quy hoạch cần phải lưu ý xây dựng các đô thị - làng, nghĩa là: "Trong quy hoạch và phát triển du lịch, chúng tôi còn nhấn mạnh đến văn hóa giao tiếp, cả vật thể và phi vật thể - để tạo ra vùng du lịch có hồn, có chiều sâu...". Những ý tưởng tốt đẹp như vậy của các nhà lãnh đạo địa phương giờ đây đang đi vào phá sản, khi mà toàn bộ đất bờ biển đã bị phân lô trên thực tế.
Bãi biển công cộng quá hiếm
|
Chúng tôi quen biết hai chủ doanh nghiệp có các cơ sở kinh doanh hải sản chế biến ở khu vực ven biển xã Điện Dương. Mỗi cơ sở rộng khoảng vài héc-ta, mua lại của người dân từ hơn 20 năm nay cũng phải chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch. Họ chuyển cơ sở sản xuất đi nơi khác và thuê kiến trúc sư quy hoạch chi tiết, thiết kế xây dựng để làm nhà nghỉ. Nhưng cả hai lo lắng vì không còn bãi tắm công cộng nào gần đó để hấp dẫn du khách đến lưu trú.
Hai mặt của một vấn đề
Trên tuyến ven biển này sẽ có ít nhất hai sân golf và các sân tập của hai tập đoàn đầu tư lớn tại miền Trung. Diện tích tổng cộng trên 200 ha. Để nuôi và bảo vệ cỏ tại đây, theo các nghiên cứu chuyên đề về sân golf, mỗi năm các sân golf này phải sử dụng ít nhất 300 tấn thuốc trừ sâu và hàng ngàn tấn phân hóa học. Đó là chưa kể việc lấy nước ngầm để tưới cỏ. Các câu hỏi về tác động môi trường đã được các nhà báo đưa ra, nhưng đều bị lảng tránh hoặc trả lời chung chung như "sẽ được giám sát bởi các cơ quan bảo vệ môi trường địa phương". Và điều hiển nhiên, bên cạnh việc thi công sân golf ấy, ai cũng biết hàng trăm biệt thự cao cấp và khu mua sắm đã được tiến hành thi công để bán hoặc cho thuê! Sân golf mang tên Colin Montgomerie chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm nay ở Điện Ngọc (Quảng Nam) với gần 60 biệt thự và một khu mua sắm đang được xây dựng là ví dụ sinh động nhất cho nhận định này. Liệu việc kinh doanh địa ốc hay sân golf là hoạt động chính? Chính sách thuế và tiền thuê đất áp dụng ở đây có phân biệt được hai lĩnh vực kinh doanh này?
Có một bạn đọc nói với tôi: "Các chuyến đi nước ngoài liên tục của nhiều quan chức do các nhà đầu tư ở đây mời đã là câu trả lời rồi, nhà báo còn nêu lên làm gì nữa!".
Phóng sự của Trương Điện Thắng
Bình luận (0)