Đà Lạt còn gì bên dưới sương mù?

25/03/2019 05:50 GMT+7

Cuốn biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên ra mắt thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người nặng lòng với thành phố này.

Tác giả ký tặng sách, giao lưu với độc giả ẢNH: T.A
Khi Đà Lạt đang là “điểm nóng” với việc công bố bản đồ án biến khu Hòa Bình thành trung tâm thương mại cao tầng, cuốn biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên ra mắt thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người nặng lòng với thành phố này.
Sáng qua 24.3 tại TP.HCM diễn ra buổi ra mắt Đà Lạt, bên dưới sương mù (Phanbook - NXB Phụ nữ phát hành), cuốn sách thứ 3 của nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Vĩnh Nguyên (sau tản văn Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách; du khảo Đà Lạt, một thời hương xa). Không ít người dự khán đã - đang sinh sống, gắn bó và chứng kiến những đổi thay của thành phố trong sương này. Và dù độ tuổi khác nhau, sự quan tâm dành cho Đà Lạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau, song hầu hết bày tỏ tiếc nuối khi Đà Lạt đã “không còn là một cõi đi về nữa”, như một độc giả ngoài 60 tuổi người Đà Lạt nhìn nhận.

Vì từng có một Đà Lạt như thế

Trong 398 trang của Đà Lạt, bên dưới sương mù, cùng với “những chuyện khó ngờ” được “phủ đậy bên dưới mù sương”, như chuyện về mối quan hệ thân thiết giữa ông thị trưởng Trần Văn Phước với chính quyền họ Ngô, đã tạo nên rất nhiều công trình văn hóa đánh dấu giai đoạn đặc biệt của đô thị trong thời kỳ “người Việt làm chủ”; chuyện bà Nhu - Trần Lệ Xuân “khát” đất và nhà Đà Lạt; chuyện những phi công, kỹ sư hàng không Pháp bị mắc kẹt tại Đà Lạt phải tiến hành một vụ “đánh cắp máy bay”; chuyện Mậu Thân xảy ra ở khu Hòa Bình thế nào, tại sao Mậu Thân ở Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn có rất nhiều hình ảnh nhưng Đà Lạt lại hiếm có bức ảnh nào…, người đọc có thể sẽ còn bất ngờ với những điều chưa từng được biết đến.
Đó là Đà Lạt từng là một đô thành tự trị, ai muốn đến tham quan, làm ăn, sinh sống thì phải có giấy phép nhập nội. Sau khi Hoàng triều cương thổ bị bãi bỏ thì cư dân các vùng miền đi lại Đà Lạt mới thực sự tự do (bài Hoàng triều cương thổ và bản thiết kế hành chính dành cho “thủ đô”).
Đà Lạt từng là thành phố đại học, thành phố tri thức, chọn mục tiêu giáo dục, văn hóa thay vì du lịch. Từng có Viện Đại học Đà Lạt với ban giảng huấn là các giáo sư hàng đầu Sài Gòn. Họ xem những chuyến thỉnh giảng vừa là giảng dạy, nghỉ mát và quan trọng nhất là được sống trong không gian thư nhàn ở một thành phố của môi trường nghiên cứu, đại học lý tưởng nhất miền Nam (trong Khởi đầu của một thành phố đại học).
Đà Lạt từng có Trung tâm nghiên cứu nguyên tử mang tầm vóc quốc tế, nhằm phát triển nghiên cứu khoa học với ý hướng phụng sự hòa bình lâu dài. Trong khoảng năm 1963 - 1966, trung tâm này đã phát triển khá nhiều chương trình nghiên cứu quan trọng, đáng kể nhất là sản xuất đồng vị phóng xạ áp dụng trong y khoa, được các bệnh viện Sài Gòn sử dụng trong điều trị ung thư và các chứng bệnh khác (Đô thị cao nguyên với ý hướng phụng sự hòa bình).
Đà Lạt từng có Mùa trồng cây, từ tháng 7 - 11. Hàng ngàn người từ học sinh, công chức, giáo viên... tự nguyện tham gia trồng cây ở những quả đồi quanh Bờ Hồ và khu nghĩa trang. Năm 1957 đã có hơn 6.000 cây xanh được trồng. Năm 1958 có hơn 15.000 cây gồm thông, khuynh diệp, anh đào được trồng. Không chỉ vậy, họ cũng tình nguyện dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ trên 60 km đường trong thành phố (Mùa trồng cây).

Thông tin giá trị cho nhà quản lý tham khảo, suy ngẫm

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cho biết anh đã dành 2 năm để tiếp cận, xử lý nguồn tư liệu khá lớn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II (TP.HCM), Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt), tham khảo các công trình địa chí địa phương Đà Lạt - Lâm Đồng và nhiều sách báo xuất bản trong - ngoài nước qua nhiều thời kỳ lịch sử Đà Lạt để người đọc có thể hình dung về giai đoạn lịch sử Đà Lạt từ 1950 - 1975 (chứ không phải 1954 - 1975 như cách mà cuốn Đà Lạt, một thời hương xa đã biên khảo về đời sống văn hóa của đô thị này).
Trong đó, theo anh, “có những văn bản bị cháy sém một góc, có những bó hồ sơ ẩm mốc, những chiếc đinh ghim vụn nát khi có tay người chạm vào. Có những trang văn bản vương vết máu. Và có những sự việc treo lơ lửng không rõ đầu đuôi…”. Tất cả, “Không ngoài mục đích hiểu rõ hơn về lịch sử, với những giá trị quan trọng của một đô thị có lịch sử nhân văn đặc biệt như Đà Lạt. Thông qua cái nhìn lịch sử đó, chúng ta có những tham chiếu cho hiện tại để chọn lựa con đường phát triển mà chúng ta thấy hài hòa, có quá khứ, có hiện tại, có tương lai”.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, bên cạnh lòng cảm ơn tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã giúp thu thập lại một phần trong số rất nhiều hình ảnh và các bản vẽ thiết kế của cha ông - KTS Ngô Viết Thụ, đã bị thất lạc tại văn phòng quy hoạch kiến trúc của ông sau năm 1975, thì “Đà Lạt, bên dưới sương mù là một trong những cuốn sách giúp bổ sung nhiều thông tin giá trị cần tham khảo cho những nhà quản lý đô thị, để suy ngẫm và xem xét lại, trước khi quyết định có nên tiếp tục cho phép cao tầng hóa khu Hòa Bình, hay cho phép phát triển tự phát, bê tông hóa thành phố, bỏ qua tiềm năng tiếp tục phát triển Đà Lạt theo hướng đô thị du lịch nghỉ dưỡng lãng mạn, đô thị văn hóa lịch sử, đô thị đại học và nghiên cứu…”.
Tác giả cũng chia sẻ thêm rằng, trên nguyệt san Xây dựng mới (số 3, tháng 6.1958), KTS Võ Đức Diên (Thư ký tòa soạn của báo) từng tổ chức một chuyên đề về Đà Lạt, trong đó có khảo sát chi tiết các giá trị vật chất, không gian sống của người Đà Lạt. KTS Hoàng Hùng - chủ nhiệm của tờ báo (từng làm Tổng giám đốc Nha Kiến thiết thời chính quyền Ngô Đình Diệm), viết bài trong số báo ấy đã bày tỏ đại ý: Chúng ta tô điểm cho Đà Lạt để mỗi ngày đẹp hơn, nếu không làm được thì phụ cảnh thiên nhiên, mà nếu làm gì kệch cỡm mất duyên dáng của Đà Lạt thì lương tâm chúng ta cắn rứt trọn đời, bởi du khách nhìn thấy những gì chướng mắt sẽ nhắc đến chúng ta với những lời mỉa mai…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.