Đà Lạt hiện đại phải giữ gìn bản sắc

30/07/2012 20:44 GMT+7

(TNO) Ngày 30.7, tại TP.Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo quốc tế: “Ý tưởng quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, nhằm lựa chọn hướng phát triển đô thị Đà Lạt trong tương lai.

Hội thảo quy tụ gần 100 đại biểu là các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, bảo tồn, du lịch, môi trường…

Cần thiết

Sau gần 120 năm hình thành và phát triển, với lợi thế về khí hậu, cảnh quan, Đà Lạt đã dần định hình được “thương hiệu” thành phố du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

 Đà Lạt hiện đại phải giữ gìn bản sắc nd
Đà Lạt hội đủ các yếu tố để trở thành đô thị nghỉ dưỡng lý tưởng - Ảnh: Gia Bình 

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: “Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đà Lạt đang dần mất đi những không gian xanh của rừng thông; nhiều công trình kiến trúc ảnh hưởng đến cảnh quan, địa hình, phong cách kiến trúc rất riêng của Đà Lạt; môi trường sinh thái bị suy giảm. Do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, việc quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế, nguồn lực kinh tế còn khó khăn đã làm cho công tác quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập”.

Cũng theo bà Linh, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng vai trò, chức năng của đô thị có tính đặc thù về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của quốc gia và có ý nghĩa quốc tế là cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết, phạm vi nghiên cứu của đồ án bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.Đà Lạt hiện hữu và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích tự nhiên 3.308 km2, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 750.000 người…

Nan giải bài toán bảo tồn và phát triển

Nhiều ý tưởng về định hướng phát triển không gian, cấu trúc đô thị… của các đại biểu đưa ra tại hội thảo xoay quanh vấn đề phát triển TP.Đà Lạt hiện đại, bền vững và giàu bản sắc.

Th.S KTS.Thierry Huau, Trưởng nhóm chuyên gia Pháp về ý tưởng quy hoạch chung này đưa ra ý kiến: “Đà Lạt hình thành dựa trên khí hậu đặc trưng và có câu chuyện lịch sử đặc biệt nên cần phát triển tiếp nối. Dải công viên sẽ là mấu chốt cho quy hoạch, phát triển Đà Lạt. Phải gìn giữ, phát triển, khai thác tối đa các mảng xanh, các điểm nhìn; phát triển nông nghiệp đô thị hợp lý; giữ lại chuỗi hồ nhân tạo. Làm sao cho nổi rõ trục Đông - Tây, gắn liền với di sản kiến trúc… Phát triển Đà Lạt dựa trên trung tâm Đà Lạt và các đô thị vệ tinh với những tính chất đặc thù của mỗi đô thị, Đà Lạt cần phát triển hài hòa với thiên nhiên và môi trường”.

Trong khi đó, GS.TS, KTS Hoàng Đạo Kính, Chuyên gia nghiên cứu về bảo tồn, nguyên Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam lại phân vân: “Các lý do dẫn tới việc mở rộng thành phố Đà Lạt ra 3 huyện và 1 phần huyện Lâm Hà được đưa ra chưa đủ và thiếu sức thuyết phục. Đô thị hóa một vùng lãnh thổ rộng lớn không thể không dẫn tới việc can thiệp mạnh và sâu vào môi trường tự nhiên; sẽ xảy ra những sự biến đổi toàn diện và sâu sắc về thiên nhiên; đô thị hóa rộng khắp sẽ tác động tiêu cực đến du lịch nghỉ dưỡng”.

“Đà Lạt có giá trị nổi trội không chỉ bởi quỹ kiến trúc mà còn có giá trị là một đô thị di sản. Quy hoạch định hướng là cần thiết, song thực thi những sự “định hướng” vào thực địa, là dễ sa vào những sai lầm không thể sửa. Nên biến Đà Lạt mở rộng (không đến mức hơn 3.000 km2) thành một vùng đô thị nghỉ dưỡng, với hạt nhân là TP.Đà Lạt để bảo lưu những giá trị độc nhất vô nhị hiện hữu, với hệ thống các đô thị nhỏ - resort vệ tinh lồng ghép khéo léo vào thiên nhiên”, ông Hoàng Đạo Kính nêu ý kiến.

Gia Bình

>> Đến châu u nhớ Đà Lạt
>> Hoa Đà Lạt tràn xuống phố
>> Thưởng lãm Festival Hoa Đà Lạt
>> Nâng cấp chợ đêm Đà Lạt
>> Công bố nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt”
>> Xây dựng Đà Lạt thành trung tâm du lịch lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.