Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Đà Lạt - Lâm Đồng hội đủ 3 yếu tố: cảnh quan thiên nhiên vừa sinh động vừa điển hình, có mỹ quan đẹp và ấn tượng, có môi trường trong lành cho du khách tham quan nghỉ dưỡng và hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng hơn hết, Đà Lạt là một trong số ít thành phố trên thế giới có thể trồng trọt hiệu quả nhiều loại cây trồng, cả cây ôn đới và nhiệt đới, là trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) có tầm quốc gia và quốc tế, tiềm năng phát triển du lịch canh nông tầm cỡ khu vực và thế giới.
Lâm Đồng hiện nay là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển NNƯDCNC. Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đến nay toàn tỉnh đang triển khai quy hoạch một khu NNƯDCNC, một khu công nghiệp nông nghiệp, 7 khu sản xuất NNƯDCNC tập trung và 19 vùng NNƯDCNC cho các cây trồng, vật nuôi để triển khai thực hiện. Đây là một trong những nội dung cực kỳ quan trọng tạo đột phá cho ngành nông nghiệp tiếp cận trình độ của thế giới. Toàn tỉnh hiện có khoảng 52.000 ha đất canh tác sản xuất NNƯDCNC, chiếm 20% diện tích canh tác; có 9 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (chiếm 31% so với cả nước). Toàn tỉnh thu hút được hơn 1.400 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; giá trị sản xuất trung bình đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích sản xuất đã cho doanh thu 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng/ha, cá biệt có những mô hình sản xuất rau thủy canh có thể đạt 8-9 tỉ đồng/ha/năm, sản xuất hoa cao cấp đạt đến 24 tỉ đồng/ha/năm…
Du lịch canh nông - giải pháp tất yếu để nông nghiệp phát triển bền vững Gia Bình
|
Cũng theo ông Phạm S, thông qua chương trình hợp tác quốc tế giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với tổ chức JICA và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện dự án tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng phát triển thương hiệu: “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển, thu hút du khách với sứ mệnh, mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất đặc biệt đến với mọi người. Địa bàn triển khai chủ yếu là TP.Đà Lạt và các huyện lận cận như Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà; 4 sản phẩm, loại hình chọn quảng bá gồm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. “Đà Lạt có lợi thế về điều kiện tự nhiên, là miền đất lành kết tụ những sản vật nổi tiếng, do đó tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu cho 4 loại sản phẩm trên với tên gọi “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Mục tiêu, đưa các sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu số một tại VN, từng bước lan tỏa thương hiệu đến thị trường quốc tế”, ông Phạm S nói.
Đến nay Lâm Đồng có 19 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu và đang phát huy uy tín thương hiệu, như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc... Phần lớn rau, hoa công nghệ cao và cà phê arabica được sản xuất chủ yếu tại Đà Lạt và vùng phụ cận. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, rau, hoa và cà phê arabica Đà Lạt có lợi thế so sánh đặc biệt, nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng. Trải qua hơn 80 năm hình thành nghề trồng hoa, Đà Lạt đã trở thành vùng sản xuất hoa nổi tiếng cả nước. Đà Lạt hiện có 5 làng hoa truyền thống gồm Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành, Xuân Thành và Đa Thiện cùng với hàng trăm doanh nghiệp, nông hộ mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 3 tỉ cành hoa các loại.
Hoa Đà Lạt đã có vị thế trên thị trường trong và ngoài nước Gia Bình
|
Không chỉ nổi tiếng về hoa, Đà Lạt còn là vùng đất có khí hậu, độ cao và thổ nhưỡng để sản sinh cà phê arabica chất lượng cao. Hiện nay thương hiệu “Cà phê arabica Langbiang”, “Cà phê Cầu Đất - Đà Lạt” và “Cà phê Di Linh” đã được đăng ký bảo hộ độc quyền. Riêng cà phê arabica Cầu Đất còn được chọn đưa vào chuỗi bán hàng Starbucks tại nhiều quốc gia trên thế giới vì chất lượng vượt trội. Một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê arabica của VN, là một trong những vùng cà phê arabica có chất lượng cao trên thế giới.
Trong những năm gần đây, nhiều nông hộ ở TP.Đà Lạt còn kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch. Nhiều vườn dâu tây, vườn rau thủy canh công nghệ cao, vườn hoa muôn sắc màu hay trang trại cà phê arabica xanh mượt...mở cửa đón du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm, đã hình thành nên những tour du lịch canh nông hấp dẫn. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn, ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “điểm du lịch canh nông” trên địa bàn, bước đầu xây dựng 25 điểm du lịch canh nông. Do có định hướng dài hạn và xác định các tiêu chí phù hợp và các chính sách có tính khả thi cao, do đó du lịch canh nông đã mang lại giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp rõ nét, góp phần tạo đột phá cho ngành du lịch Lâm Đồng, tạo sự lan tỏa của các sản phẩm kết tinh kỳ diệu từ đất lành Đà Lạt.
Cà phê arabica ở Đà Lạt có chất lượng hàng đầu thế giới TTXT ĐTTM&DL Lâm Đồng
|
Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm và làm việc với Lâm Đồng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao và hoan nghênh những kết quả Lâm Đồng đã đạt được trong nông nghiệp, xứng đáng để nhân rộng trong cả nước; đặc biệt là tỉnh đã định hình được nông sản an toàn và xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng hiền hòa, mến khách… Thủ tướng đã chỉ ra “tam giác vàng” cho Lâm Đồng phát triển là: phải phát triển NNƯDCNC, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và du lịch gắn với NNƯDCNC. Từ những tín hiệu tốt lành ấy, trong tương lai không xa, Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ trong nước mà là của thế giới.
Bình luận (0)