Đà Lạt, một thời hương xa: Ly cà phê ướp hương tường vi

22/10/2016 06:08 GMT+7

Thừa hưởng trực tiếp văn hóa cà phê từ người Pháp, thị dân Đà Lạt từng có một đời sống an nhàn, lịch lãm bên ly cà phê thường nhật.

Có nhiều chọn lựa không gian cà phê nếu trở về Đà Lạt của thập niên 1960 - 1970. Cà phê sang có Night Club ở khu chợ Mới. Trong cuốn hồi ức Chuyện kể 40 năm sau, danh ca Khánh Ly từng kể rằng những năm giữa thập niên 1960, đêm đến thường đi hát ở Night Club, với mức lương 2.500 đồng mỗi tháng (ngang với lương bậc trung úy chính quyền miền Nam).
Ca sĩ Khánh Ly thời đi hát ở Night Club - Ảnh: tư liệu của tác giảCa sĩ Khánh Ly thời đi hát ở Night Club - Ảnh: tư liệu của tác giả
Café Tùng là nơi ưa thích của những trí thức, văn nghệ sĩ. Sau hai lần di dời trước khi về địa chỉ số 6 khu Hòa Bình, quán nhỏ này đã gắn “tiểu sử” của mình với lịch sử quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt. Khung cửa sổ kính mờ sương ở Café Tùng đã là góc nhìn trầm tư trước phố xá của biết bao lữ khách danh tiếng lẫn vô danh đến và đi. Với Café Tùng, thời gian như ngưng đọng cùng âm nhạc lãng mạn Pháp, ly cà phê pha phin, cung cách phục vụ gần gũi gia đình và phong thái tận hưởng kiểu người Đà Lạt cũ, chậm rãi, lịch lãm.
Ngoài Café Tùng, không gian gần gũi của cà phê Văn, Vui… là các địa chỉ của thanh niên, trí thức, công chức. Nhìn rộng ra, mỗi quán cà phê Đà Lạt thời điểm 1960 - 1970 đều mang một nét đặc biệt: ở cà phê Kivini số 52 Minh Mạng là nơi nổi tiếng nhờ giọng ca Kim Vui, cà phê T2 đối diện Trường nữ Bùi Thị Xuân được học sinh, sinh viên mệnh danh (theo cách diễn dịch tên quán T2) là nơi dành cho người thất tình, thiếu tiền và có thể là nơi tỏ tình lý tưởng.
Một chút xa xỉ cho những ai quyến luyến phong vị Pháp có cà phê Thủy Tạ, sảnh Dalat Palace hay Hotel Du Parc… Nhưng Đà Lạt cũng có những quán cóc lề đường rất duyên, gắn với ký ức biết bao người, như dãy tiệm cà phê bình dân ở Bến xe Tùng Nghĩa với những “quán tứ chiếng” một thời nổi tiếng với cà phê kho, cà phê phin: Long, Đôminô, Bà Năm… hay có thể là những quán cà phê vô danh nằm dọc lối vào chợ, ga xe lửa phục vụ khách lữ hành dừng chân chốc lát.
Sự sống và cái chết quanh ly cà phê
Với nhạc sĩ Lê Uyên - Phương, không gian cà phê là ấn tượng không thể nào quên. “Không thể nào quên được những đêm thật tuyệt vời của Đà Lạt vào những năm của thập niên 1960. Chúng tôi, như phần đông những người trẻ lúc đó, thường hay la cà khắp các quán cà phê ở Đà Lạt, nhất là Café Tùng ở gần chợ Hòa Bình. Cái phòng vuông vức với những hàng ghế liền bọc plastic đỏ, những chiếc bàn thật thấp, trên tường có bức tranh lớn vẽ một người chơi guitar theo lối nửa lập thể, nửa ấn tượng, và cái không gian đầy khói thuốc trộn lẫn với âm nhạc nhẹ phát ra từ chiếc loa thùng đã trở thành một thứ ma túy đối với chúng tôi”.
Quảng cáo Lục Huyền Cầm của Lê Uyên - Phương Quảng cáo Lục Huyền Cầm của Lê Uyên - Phương 
“Sự lo lắng về một tương lai bất định của thời chiến quả đã là một ám ảnh lớn cho chúng tôi lúc bấy giờ. Những giọt cà phê nhiều khi đã không được uống vì cái vị đắng của nó mà vì cái vị đắng của cuộc chiến kéo dài tưởng như vô tận so với cuộc đời hết sức ngắn ngủi của chúng ta. Chúng tôi đã nhiều lần ngồi thở dài để đưa tiễn một người bạn lên đường, và trong những câu chuyện, chúng tôi đã luôn luôn cố gắng để giải thích cho chính mình mọi sự dấn thân của chúng tôi lúc đó… Những quán cà phê lúc bấy giờ đã thực sự trở thành cái nhà của chúng tôi, ngoài giờ đi làm, đi học ra, cà phê là nơi chúng tôi thường xuyên có mặt, bất kể ngày đêm, ở đó chúng tôi có thể tìm gặp những người hiểu được mình và có thể thổ lộ mọi điều riêng tư mà không ai phàn nàn gì cả”, Lê Uyên - Phương đã nói về cà phê Đà Lạt một thời như thế.
Vào năm 1972, Đà Lạt có một địa chỉ mới cho giới sành cà phê và yêu nhạc, đó là Lục Huyền Cầm của đôi uyên ương Lê Uyên - Phương ở số 22 Võ Tánh. Lục Huyền Cầm được mở khi Lê Uyên - Phương đã nổi tiếng khắp Sài Gòn, vì thế, sự ra đời của nó gây một sự chú ý đáng kể trong thành phố yên bình. Lục Huyền Cầm trở thành nơi gặp gỡ giới văn chương, âm nhạc, chuyện trò thời thế, nghệ thuật. Hơn 10 ca khúc phổ thơ của Nguyễn Xuân Thiệp, Huy Tưởng, Hoàng Khởi Phong, Phạm Công Thiện… trong album Tình như mây cõi lạ (phát hành năm 1999 tại Mỹ) được nhạc sĩ Lê Uyên - Phương viết tại Lục Huyền Cầm, từ những cuộc gặp gỡ, đàm đạo bên ly cà phê ướp hương tường vi buổi sáng.
(Trích từ Đà Lạt, một thời hương xa - Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975, NXB Trẻ 2016)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.