Đà Lạt - thành phố nông nghiệp công nghệ cao

10/04/2015 07:00 GMT+7

Từ nền sản xuất lạc hậu, sau 40 năm giải phóng, thành phố Đà Lạt trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) dẫn đầu cả nước.

Từ nền sản xuất lạc hậu, sau 40 năm giải phóng, thành phố Đà Lạt trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) dẫn đầu cả nước.

Đà Lạt - thành phố nông nghiệp công nghệ caoThu hoạch hoa cúc trong nhà kính - Ảnh: Lâm Viên
Theo Phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, sau ngày giải phóng, sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt thuần tuý thủ công, nhỏ lẻ, năng suất thấp, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. Năm 1981 diện tích canh tác rau, hoa toàn thành phố chỉ 1.422 ha, thì đến hết năm 2014 diện tích gieo trồng hàng năm đạt 12.597 ha, sản lượng rau 290 ngàn tấn và 2 tỷ cành hoa các loại. Bên cạnh đó nông dân và các doanh nghiệp chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, phát triển theo hướng chuyên canh, nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng chủng loại cây trồng. Toàn thành phố hiện có 4.500ha/5.350ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 1.617 ha nhà kính, nhà lưới; thu nhập bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm, hoa cắt cành 650-700 triệu đồng/ha/năm, rau cao cấp 550 triệu đồng/ha/năm, chè cành chất lượng cao đạt 350 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt có những mô hình ứng dụng NNCNC được Bộ NN-PTNT công nhận như Công ty TNHH Agrivina (Dalat Hasfarm), Công ty Cổ phần sinh học Rừng Hoa Đà Lạt và Công ty TNHH Đà Lạt GAP… có giá trị sản xuất đạt 2 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, một trong những khâu đột phá rõ nét trong phát triển NNCNC ở Đà Lạt trong 5 năm qua là việc đầu tư chiều sâu để chọn tạo, nhân giống, khảo nghiệm thành công 20 loại cây trồng mới, giá trị cao. Trung bình mỗi năm 50 cơ sở nhân giống theo phương pháp Invitro sản xuất hơn 30 triệu cây giống cấy mô; trong đó riêng Công ty Cổ phần sinh học Rừng Hoa Đà Lạt sản xuất qui mô công nghiệp với sản lượng trên 10 triệu cây giống để xuất khẩu qua châu Âu và một số nước trong khu vực châu Á. Những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Lạt đã mạnh dạn đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, xây dựng các quy trình canh tác tiên tiến, tự động hóa trong sản xuất, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ thủy canh, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ sản xuất rau Ogarnik… để nâng cao giá trị sản phẩm. Song song đó, các nhà khoa học tổ chức thực hiện gần 40 đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng NNCNC, kết nối thường xuyên giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Tỉnh Lâm Đồng đang hợp tác với tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư đến năm 2020. Theo mô hình này sẽ có khu công nghiệp nông nghiệp gắn liền Trung tâm sau thu hoạch rau quả khép kín với các dây chuyền kiểm tra, phân loại, đóng gói, bảo quản lạnh và vận chuyển lạnh nguồn rau chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, còn hình thành khu chợ đầu mối hoa để tập trung đơn hàng hội đủ các điều kiện, để người sản xuất không bị ép giá. Theo ông Hosono Kyohei, Giám đốc Công ty Tư vấn DI (Dream Incubator) của Nhật tại Việt Nam, nếu so giá trị sản xuất với tiềm năng đất đai, lao động ở Đà Lạt, Lâm Đồng thì vẫn đang ở mức chưa khai thác hết; cần phải khai thông những “điểm nghẽn” chính là chi phí sản xuất cao, sản xuất manh mún, nguồn cung không ổn định, chất lượng chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn với cây hoa, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, người nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi khi không được cung cấp các thông tin giá cả chính xác mà giá chỉ được quyết định bởi nhà bán sỉ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.