Đà Lạt thiếu giống hoa

18/04/2013 03:40 GMT+7

Ngày 17.4, Cục Bảo vệ thực vật đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trồng rau hoa tại TP.Đà Lạt, xung quanh những quy định gây bế tắc việc nhập giống hoa.

Đà Lạt thiếu giống hoa

Hoa cát tường hiện vẫn phải nhập giống từ nước ngoài - Ảnh: L.V

Doanh nghiệp bế tắc

Hàng chục doanh nghiệp (DN) trồng rau, hoa ở TP.Đà Lạt đã đồng loạt phản ánh về những khó khăn trong việc nhập giống rau, hoa để sản xuất. Ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt - “phát pháo” đầu tiên: “Từ tháng 8.2011, do quy định về thủ tục cấp giấy phép kiểm dịch thực vật (KDTV) nhập khẩu phải có phân tích nguy cơ dịch hại (Pest Risk Analysis, viết tắt PRA) từ nước xuất khẩu nên các DN bế tắc trong việc nhập khẩu giống hoa”. Mặt khác, trước đây giấy phép KDTV nhập khẩu có thời hạn 1 năm nay giảm xuống chỉ còn 6 tháng khiến nhiều DN, nhà vườn bị động trong kế hoạch kinh doanh, nhập giống…

 

90% giống hoa nhập khẩu

Lâm Đồng hiện có 3.860 ha canh tác hoa, sản lượng trên 1,33 triệu cành/năm; 90% giống hoa của Đà Lạt được nhập khẩu từ các nước. Sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm.

Ông Điêu Chính Quốc Tín, đại diện Công ty Dalat Hasfarm, cho biết mỗi năm Dalat Hasfarm nhập khoảng 50 chủng loại hoa với trên 50 triệu củ giống hoa từ nhiều nước trên thế giới. Chỉ có Hà Lan cung cấp tốt nhất thông tin PRA, các nước Đan Mạch, Ý, Tây Ban Nha và một số nước khác từ chối cung cấp PRA với lý do giống của họ đã xuất qua Việt Nam nhiều năm rồi, không hề gặp vấn đề gì. Ông Tín thông tin: “Một số hãng chuyên cung cấp giống hoa nổi tiếng của Nhật hứa sẽ thực hiện PRA nhưng cần khoảng 3 năm, trong thời gian đó họ sẽ tạm ngưng bán hàng cho Dalat Hasfarm”. Ông Lê Văn Liền, Giám đốc Công ty Đại Việt, một chuyên gia về ngành hoa cho biết: “Các công ty sản xuất hạt giống của Pháp, Hà Lan cho biết họ xuất khẩu giống cho rất nhiều nước và chưa bao giờ làm PRA, chỉ có Việt Nam đòi hỏi PRA thôi”.

Ông Liền cho biết thêm, trong nội dung PRA mà Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) yêu cầu có những thông tin thuộc dạng bí mật kinh doanh của đối tác nước ngoài như năng lực xuất khẩu (tấn/năm), các nước đã từng nhập khẩu hàng hóa này... nên họ nhất quyết không cung cấp.

Theo thông lệ quốc tế ?

Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Hoàng Trung, Cục phó BVTV, cho biết hầu hết các nước đều dùng PRA để kiểm tra và làm “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế việc nhập khẩu. Việc kê khai PRA không phải Cục BVTV nghĩ ra mà làm theo thông lệ quốc tế. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam cũng cần áp dụng để kiểm soát các loại rau, củ, quả nhập vào. Ông Trung thừa nhận cái khó là hiện nay chúng ta đang phụ thuộc vào việc nhập giống nên phía nước ngoài yêu cầu gì ta đều phải đáp ứng, còn ta yêu cầu họ lại không làm. Ông Trung khẳng định: “Giấy phép KDTV nhập khẩu cho đến nay Cục vẫn cấp với thời hạn 1 năm, nếu ai nói chỉ cấp 6 tháng các DN cứ gọi điện thẳng cho tôi, tôi sẽ xử lý” và “các DN không cần ra Hà Nội xin giấy phép, chỉ cần gửi hồ sơ qua đường chuyển phát nhanh tới Cục BVTV, cán bộ chúng tôi phải làm và gửi lại giấy phép cho các DN”.

Ông Trung đề nghị các DN khi cần giống mới tốt, năng suất cao cứ ghi rõ yêu cầu loại giống gì, xuất xứ từ đâu. Cục sẽ đứng ra làm việc với Cục BVTV các nước. Nếu không được, Cục sẽ có công hàm gửi các nước đề nghị hỗ trợ. Ông Trung cũng đồng tình với đề xuất của đại diện Dalat Hasfarm, trường hợp các nước không cung cấp PRA thì vẫn cho nhập một số giống mới và sản xuất khoanh vùng dưới sự giám sát của Chi cục BVTV Lâm Đồng.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.