Đà Lạt, tô điểm hay cưỡng bức tự nhiên?

31/10/2021 07:00 GMT+7

Đô thị là sản phẩm nhân tạo. Nhưng làm sao để các công trình nhân tạo trong đô thị có thể cộng hưởng với di sản khung cảnh tự nhiên, làm giàu có cho bản sắc xứ sở, chứ không ra sức đốn hạ, phá nát rồi dựng nên những mô phỏng đầy giả tạo, thô kệch, lòe loẹt?

Góp vào tự nhiên

Đọc lại nhật ký của bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin, những trang ghi chép ngày 21 và 22 tháng 6 năm 1893 và những hồi ức về cao nguyên Lang Bian thuở ban đầu mà ông đọc vào ngày 28.6.1935 tại Trường Lycée Yersin, có thể mường tượng ra khung cảnh hoang sơ của Đà Lạt thời tiền đô thị: Đồi núi hoang vu, trảng cỏ mênh mông, và thấp thoáng trên các ngọn đồi là những buôn người Lạch bản địa.

Chợ Đà Lạt đầu thập niên 1960 - hiện đại nhưng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên

Một chi tiết đáng lưu ý: cho đến đầu thế kỷ XX, ở khu vực ngày nay là Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, các ngọn đồi xung quanh thác Cam Ly... vẫn còn rải rác một số bon (làng) người bản địa. Ngọn đồi ở Trường Lycée Yersin (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) có bon Yộ, còn gọi là bon Dà Làc (Đạ Lạch) có mươi nóc nhà đơn sơ. Dân ở bon này trồng lúa ở dọc theo con suối Đạ Lạch chảy từ hướng đông sang tây. Và ở phần trũng của những ruộng lúa ven suối Lạch, có thể hình dung, nay là đáy hồ Xuân Hương.

Hồ Lớn (Grand Lac) được hình thành từ việc chắn một đập nước trên dòng Đạ Lạch vào năm 1919. Đây là tác động nhân tạo đầu tiên, lớn lao và táo bạo, có tính định hình cảnh quan khu trung tâm Đà Lạt trong lịch sử hình thành đô thị này. Tất cả khởi đi từ tầm nhìn của công sứ Cunhac; với mục đích tạo một con đường lưu thông qua suối, và xa hơn, là tạo ra một hồ chứa nước cung cấp cho đô thị tương lai khi dân số tăng lên.

Toàn cảnh khu Hòa Bình vào khoảng thập niên 1950 với nhiều cây xanh

TƯ LIỆU

Thế nên, nếu nói bản quy hoạch năm 1923 của quy hoạch sư Ernest Hébrard xác lập cấu trúc thành phố thuở ban đầu với những công trình nhà ở, trường học, dinh thự, khách sạn vòng cung quanh hồ, thì cũng cần nhắc đến việc chắn dòng Đạ Lạch của công sứ Cunhac đã làm “bối cảnh nền” cho một đồ án quy hoạch đô thị bài bản.

Năm 1923, chính quyền thành phố Đà Lạt cho xây dựng thêm một đập nước nữa để ngăn tạo suối Cam Ly đoạn qua thành phố ngày nay thành hai hồ, nhưng một cơn lũ đã gây vỡ đập và làm thiệt hại cho vùng hạ nguồn. Đến năm 1934, một đập nước kiên cố mới được xây dựng để tạo thành Hồ Lớn. Thời Hoàng Triều Cương Thổ, đầu thập niên 1950, Hồ Lớn bắt đầu có tên hồ Xuân Hương.

Theo cách ngăn dòng tích nước, Đà Lạt có một chuỗi hồ cấp thủy nông nghiệp, sử dụng sinh hoạt và cả thủy điện quy mô nhỏ. Mạng lưới các hồ vừa tạo ra cảnh quan nhân tạo, thắng cảnh như: hồ Suối Vàng - Dankia, hồ Than Thở và sau này là hồ Tuyền Lâm...

Điểm chung là những công trình hồ nhân tạo này đã ẩn nương vào trong không gian tự nhiên rộng lớn, từ đó, cộng thêm giá trị vào khung cảnh sinh thái thành phố chứ không can thiệp và làm tác hại cho môi trường.

Khi nhắc đến hồ Xuân Hương, ông P.Munier viết trên tuần san Indochine (số 28, ngày 13.3.1941) rằng: “Có một ý tưởng thú vị là tạo ra hồ nhân tạo bằng cách chặn dòng chảy Cam Ly và nhờ vậy, tô điểm tuyệt vời cho cả khu vực”.

Ngay từ thời Pháp thuộc, tác giả bài báo trên cũng chỉ trích những áp đặt nhân tạo không phù hợp lên thành phố xinh đẹp này; ngược lại, đồng tình với những nguyên tắc chặt chẽ trong kiến trúc. Ông viết: “Về phần nhà ở, đúng hơn là biệt thự, chúng tôi xin nói rằng, sự tự do dành cho các kiến trúc sư đã không dẫn tới tình trạng vô chính phủ đầy tai hại”.

Chợ Mới trên vườn cresson

Báo Việt Tấn Xã số 3.591 ra ngày 4.1.1961 đưa tin về sự kiện khánh thành chợ Đà Lạt: “Ở vùng Cao-nguyên Trung-phần, chợ Đà Lạt có một nét tân-kỳ lộng-lẫy không kém các chợ danh-tiếng Đông-Nam-Á”. Lùi về trước đó vài năm, thì ở vị trí công trình “tân-kỳ lộng-lẫy” này là một thung lũng với mấy vạt đất trồng cải cresson, vào mùa mưa thì cỏ mọc um tùm, ẩm thấp và tù đọng.

Ngôi chợ do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chỉnh sửa và bổ sung nhiều chi tiết nối kết với khu chợ cũ ở khu Hòa Bình đã tạo ra một dấu ấn của công trình nhân tạo hiện đại, mở ra một cảnh quan mới có tính tiếp nối trong lịch sử trung tâm Đà Lạt.

Nếu như việc xây dựng hồ Xuân Hương mở hướng cho sự hình thành một cấu trúc đô thị kiểu phương Tây, cho thấy sự tôn trọng thiên nhiên thì sự xuất hiện của công trình Chợ Mới vào đầu thập niên 1960 cho thấy sự tôn trọng không gian lịch sử nhân văn trong thời kỳ kiến thiết thành phố mang đậm dấu ấn người Việt.

Cũng lại là một công trình nhân tạo, nhưng khối tích, cao độ tĩnh không của Chợ Mới Đà Lạt và khu phố chợ thương mại chung quanh được xác lập theo một tỷ lệ hợp lý trong cấu trúc đặc thù đô thị, phù hợp với địa hình và đảm bảo tính hài hòa tổng thể.

Một triết lý mà chính kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, chàng rể của Đà Lạt và cũng là người để lại những công trình dấu ấn trên thành phố này vào thập niên 1960 mà nay giới kiến trúc sư vẫn thường nhắc lại, đó chính là: “Muốn quy hoạch lại Đà Lạt thì hãy cầm búa lên”. “Cầm búa lên”, không thể hiểu nông cạn là đi đập bỏ, đụng đâu đập bỏ để xây mới và trục lợi; mà để công trình nhân tạo phải thêm vào cảnh quan thành phố những giá trị mới mẻ của sự tôn tạo. Có thể đọc thấy sự nhất quán này trong các công trình mà ông và thế hệ của ông để lại cho Đà Lạt. Điều này được kiến trúc sư Hoàng Hùng diễn giải rõ trên tờ Xây Dựng Mới, số tháng 6.1958: “Cái may mắn, mà cũng là cái vinh-dự của thế-hệ chúng ta là được dịp đem ý-thức con người tô điểm cho nó, sao cho mỗi khu rừng mang một tình lưu-luyến, mỗi mảng hồ mang một ý mời chào. Tự gió, trăng, mây, nước của Đà Lạt đã có sẵn cái tình và cái ý ấy. Chúng ta cắm thêm một ngôi nhà, mở thêm một con đường, khơi thêm một ngòi nước, trồng thêm một vườn hoa... là để nói cho đậm đà ý-nhị hơn, cái tình ý ấy”.

Trong cách nói đó, thiên nhiên là yếu tố cần được coi trọng và tô điểm thêm chứ không phải là cưỡng bức, khai thác triệt để bằng mọi giá. Công trình nhân tạo không được phép xâm lấn, làm biến dạng, truất hữu khung cảnh tự nhiên, mà cần cộng thêm vào tự nhiên những “tình ý” tốt đẹp của con người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.