Đã mắt với vườn dưa lưới sân thượng bội thu trong mùa dịch

22/06/2021 12:32 GMT+7

Mới đây, nhiều người mê trồng cây phải trầm trồ, xuýt xoa khi anh Nguyễn Văn Thể (32 tuổi, ngụ tại huyện Kiến Xương, Thái Bình) đăng những hình ảnh về vườn dưa lưới sân thượng bội thu trong mùa dịch.

Dường như, từ khi dịch bệnh xuất hiện, mọi người bắt đầu quay về với gia đình và nhu cầu mong muốn được tự cung tự cấp rau sạch cho gia đình cũng vì thế mà tăng cao. Chính vì thế, khi anh Thể chia sẻ hình ảnh về vườn dưa lưới sân thượng bội thu của mình ngay trong mùa dịch, khiến ai cũng phải ngưỡng mộ và mong muốn học hỏi kinh nghiệm để có thể biến sân thượng thành vườn nông sản sai trĩu quả trong những ngày ở nhà vì giãn cách phòng chống dịch Covid-19.

Gần 3 tạ dưa trong mùa dịch

Kể về niềm đam mê trồng cây của mình, anh Thể hài hước cho biết dường như với anh bây giờ điều không thể thiếu mỗi ngày là chăm sóc khu vườn sân thượng.
“Mình mê đến nỗi mà giờ một ngày không lên vườn là mình không chịu được. Tối hôm nào có việc đi đâu là coi như ruột gan cứ cồn cào, khó chịu lắm”, anh Thể chia sẻ.
Anh Thể bắt đầu trồng các loại hoa từ thời còn sinh viên, nhưng dưa lưới thì anh chỉ mới thử nghiệm từ năm 2016, lúc đó được mọi người cho dưa lưới ăn sau đó anh lấy hạt mang đi trồng thử nhưng không thành công. Khoảng 2, 3 năm nay gần đây, khi phong trào trồng dưa lưới nhiều hơn, anh Thể lên các hội nhóm trên Facebook để học thêm kinh nghiệm trồng, từ đó thành công cũng đã mỉm cười với anh.

“Mình trồng rất nhiều loại nông sản, hoa và cây trái khác nhau, nhưng mê nhất vẫn là dưa lưới. Mặc dù trồng dưa lưới thì phải chăm kỹ hơn và cũng khó hơn nhiều cây khác, nhưng không hiểu sao mình vẫn mê trồng dưa lưới. Nên từ ngày bắt đầu trồng được dưa lưới đến nay thì hoa mình mang hết xuống tầng 1, còn trên sân thượng thì mình dành hết diện tích để trồng các loại dưa. Chỉ trừ mùa đông không trồng được dưa lưới thì mình mới chuyển sang trồng cà chua, dâu tây và rau các loại…”, anh Thể kể.

Những quả dưa lưới đạt năng suất 

Theo anh Thể ở miền Bắc như anh thì trồng dưa lưới không thuận lợi như các bạn ở miền Nam: “Ở miền Nam nắng nhiều nên dường như các bạn trồng được quanh năm, còn ngoài này thì mùa đông là không thể trồng được. Ngoài Bắc thì dưa lưới thường bắt đầu trồng từ tháng 3 âm lịch (thời điểm trời bắt đầu nắng nhiều) và kết thúc vào tháng 10 âm lịch. Nếu trồng nhanh và tranh thủ xen những loại ngắn ngày thì được tầm 3 vụ dưa trên năm, còn như năm nay nắng muộn, mãi tháng 4 (âm lịch) mới có nắng thì chắc chỉ được tầm 2 vụ, rồi tranh thủ chen vào trồng thêm đợt dưa lê nữa vì dưa lê ngắn ngày hơn”.
Vì thời gian trồng hạn chế hơn do ảnh hưởng của thời tiết nên anh Thể cho biết anh cố tranh thủ không để lãng phí một khoảng thời gian nào. “Chẳng hạn như khi tính còn khoảng 20 ngày nữa là dưa chín thì mình đã ươm lứa mới rồi. Mình trồng tạm trong thùng xốp, đến khi thu quả xong, cây ươm vụ mới lúc này cũng đã cao rồi là mình trồng lứa mới này vào luôn, chứ mình không để thời gian chờ”, anh Thể chia sẻ.

dưa hấu

Hiện tại, vườn sân thượng gần 55 m2 của anh có 120 cây dưa các loại mà đa phần là dưa lưới ruột xanh, dưa lưới ruột cam và một ít dưa lê, dưa hấu. Dưa lưới, dưa hấu thì mỗi cây một trái, còn dưa lê thì một cây có thể để được nhiều trái hơn. Mỗi trái dưa lưới năng suất trung bình tầm 2,5 - 3,5kg, có những trái phát triển vượt mức đến hơn 4kg. Như vậy, với vườn dưa lưới sân thượng ngay trong thời điểm dịch bệnh này, anh Thể có thể thu hoạch đến gần 3 tạ dưa.
“Nhiều người thấy mình trồng được nhiều quá hỏi có bán không, nhưng mình chỉ biếu cho người thân, bạn bè chứ bán thì không. Vì bán bao nhiêu cho bù lại được công sức mà mình đã bỏ ra với khu vườn dưa lưới sân thượng này. Trồng ra mang biếu cho mọi người thấy hạnh phúc lắm”, anh Thể chia sẻ.

Dưa lê

Bí quyết trồng dưa lưới sân thượng bội thu

Anh Thể cho biết để có được vườn dưa lưới sân thượng đạt năng suất như vậy anh đã phải tự mày mò, rồi lên các hội nhóm trồng cây học ngâm ủ các loại phân hữu cơ để dùng. Bên cạnh đó, anh cũng linh động để thích ứng với điều kiện kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc.
“Các bệnh như bọ phấn trắng, trĩ, sâu xanh, thối thân…cây dưa lưới rất hay gặp. Các bạn ở miền Nam thường đầu tư nhà màng để trồng dưa lưới, nhưng ngoài này mưa nhiều mà mình thì ở gần biển, gió bão to nên đầu tư nhà màng không được thuận tiện vì gió bão sẽ phá hư hết. Vì thế phải trồng ngoài trời nên mức độ sâu bệnh rất nhiều, vì thế mà phải vất vả hơn trong việc phòng bệnh, phòng sâu cho cây”, anh Thể kể.

Ngoài dưa lưới, dưa hấu, dưa lê thì còn các loại nông sản khác đều rất đạt năng suất

Anh Thể cũng cặn kẽ hơn về các cách để phòng bệnh cho cây dưa lưới: “Đối với sâu xanh thì buổi tối mình chịu khó soi đèn bắt, hoặc phun các loại thuốc trừ sâu do mình tự pha từ tỏi, ớt, gừng, rượu. Đối với nhện thì mình dùng vòi nước xịt ngược mặt lá. Còn trĩ, bọ phấn trắng…mình dùng thuốc lào ngâm với rượu rồi pha loãng để phun”.
Còn các bệnh như thối thân thì anh Thể cho biết bắt buộc phòng bằng cách tưới nước vôi trong hàng tuần. Chẳng may cây nào bị bệnh thì anh khoét vết thối ra và xịt cồn y tế sát khuẩn, đợi khô rồi dùng vôi pha sền sệt để bôi vào.
Nghe anh Thể kể cách trị bệnh cho cây mà chẳng khác nào như trị bệnh cho người. Chính vì thế, anh Thể cho rằng trồng dưa lưới phải có đam mê và chịu khó kỹ lưỡng trong công chăm sóc hơn.

Ngoài nông sản thì anh Thể còn trồng rất nhiều loại hoa khác nhau, nên mỗi buổi tối khi đi làm về, anh chăm vườn có hôm đến 11 giờ đêm mới xong

Ngoài các bí quyết về phòng bệnh cho cây thì anh Thể cho biết công đoạn trộn đất trước khi trồng một vụ mới là vô cùng quan trọng. Đối với công đoạn này thì anh Thể thường dùng phân gà, phân bồ câu do anh nuôi tại nhà, công với phân cá, phân đậu tương và mua thêm phân bò để trộn. Đến giai đoạn cây con và trước khi quả tạo lưới thì anh Thể tưới bằng phân đậu tương xay với chuối, sữa và men vi sinh, cứ 3 ngày là tưới một lần. Đến giai đoạn sau khi quả tạo lưới rồi thì anh Thể tưới bằng dịch chuối trứng sữa, để tạo ngọt cho quả.
“Nói chung làm nông dân thời công nghệ này cũng đơn giản hơn rất nhiều, mọi người không biết gì cứ lên mạng tìm kiếm. Hoặc lên các hội nhóm trồng cây để học hỏi kinh nghiệm thêm, rồi tự mày mò, cộng thêm đam mê và chịu khó nữa là được”, anh Thể chia sẻ.

Sân thượng của anh cũng có nhiều loại rau khác nhau

Từ đam mê trồng cây bất tận của mình mà những năm gần đây, không chỉ là dưa lưới sân thượng mà anh Thể còn biến sân thượng của mình thành khu vườn với đủ các loại nông sản sạch cho cả gia đình. “Đặc biệt trong mùa dịch bệnh như thế này, ở nhà chăm sóc vườn sân thượng vừa an toàn, vừa có được nguồn thực phẩm đảm bảo để gia đình sử dụng, nhất là những gia đình có con nhỏ như mình”, anh Thể bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.