Bệnh nhân tăng nhanh, dự kiến mở cơ sở 3
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), tính đến cuối tháng 10.2022, TP.Đà Nẵng ghi nhận gần 7.600 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). So với cùng kỳ năm 2021(gần 400 ca), tỷ lệ số ca nhiễm đã tăng lên đến hơn 19 lần, nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải.
Những ngày vừa qua, tại khu vực điều trị bệnh nhân được Bệnh viện Đà Nẵng thiết lập làm cơ sở 2 của Khoa Y học nhiệt đới, toàn bộ 45 giường luôn trong tình trạng "đầy" bệnh nhân. Cứ bệnh nhân này ra viện thì bệnh nhân khác lại vào… Các giường ở hành lang tại Khoa Y học nhiệt đới luôn trong tình trạng kín chỗ. Trung bình mỗi ngày Khoa Y học nhiệt đới tiếp nhận điều trị từ 30-40 bệnh nhân SXH Dengue ở TP.Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, chủ yếu là ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Thống kê trong vòng 3 tháng trở lại đây, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân SXH; riêng trong tháng 10 tiếp nhận khoảng 500 ca mắc, tăng khoảng 130 - 150% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bác sĩ Đặng Minh Chương, Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng, dịch SXH hiện nay đang rất phức tạp. Mọi năm, khoảng thời gian này số lượng bệnh nhân đã giảm bớt, còn năm nay vẫn tiếp tục tăng cao… Hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang có 2 cơ sở điều trị cho bệnh nhân SXH. Nhưng với lượng bệnh nhân gia tăng, dự kiến bệnh viện sẽ mở thêm cơ sở 3 (khoảng 50 giường bệnh) và chuẩn bị nhân lực, thuốc men, chế phẩm máu để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều trị.
Các giường tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng luôn trong tình trạng kín bệnh nhân sốt xuất huyết |
ẢNH: CDC ĐÀ NẴNG |
Chủ động diệt bọ gậy sau mưa lũ
Ông Hoàng Công Chiêm, Tổ trưởng tổ 31 (P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu), tỏ ra lo lắng khi gần khu vực dân cư đang ở có một dự án bỏ hoang. Tại dự án ngay trung tâm TP.Đà Nẵng này, ngoài hồ nước tù đọng lâu năm rộng hàng ngàn mét vuông còn có nhiều diện tích đất hoang, cây cối mọc um tùm. "Đang cao điểm dịch SXH nên thấy cảnh khu vực dự án rậm rạp bởi cây bụi, nước tù… khiến chúng tôi rất lo lắng. Rất mong ngành chức năng tổ chức dọn dẹp vệ sinh để khu vực này không trở thành nơi "nuôi" muỗi", ông Chiêm kiến nghị. Một sản phụ trú tại Q.Cẩm Lệ nhập viện điều trị SXH tại Bệnh viện Đà Nẵng cho biết khu vực chị sống có nhiều mảnh đất hoang, nhiều dụng cụ phế thải tù đọng nước. Dù biết môi trường như thế sẽ có nguy cơ cao mắc SXH, nhưng hàng xóm đều bận bịu công tác, làm ăn nên không ai quan tâm đến việc diệt lăng quăng, bọ gậy…
Bác sĩ Hoàng Thị Hồng, Phó trưởng Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế Q.Liên Chiểu, cho rằng sau đợt mưa lũ vừa qua, môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi nên người dân cần chủ động hơn trong dọn vệ sinh nhà cửa. Để đẩy lùi dịch SXH, người dân cần chung tay tiêu diệt lăng quăng tại khu dân cư và hợp tác tốt trong việc phun thuốc diệt muỗi… Còn với CDC Đà Nẵng, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, xử lý ca đơn lẻ và ổ dịch nhỏ SXH tại các địa phương. Hiện nay, nhiều người bệnh có tâm lý chủ quan, tự điều trị SXH tại nhà, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng. Vì vậy, CDC Đà Nẵng khuyến cáo khi có các biểu hiện của bệnh SXH như sốt cao, đau đầu, nhức mỏi thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Trước đó, nhận định tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã đề nghị và hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh diệt lăng quăng, bọ gậy, xử phạt các điểm nhiều lần phát hiện bọ gậy. Đồng thời, kêu gọi người dân cùng chung tay thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy…
Bình luận (0)