Đô thị du lịch khác biệt
Phuket, Bali hay Maldives đều thường xuyên góp mặt trên những bảng xếp hạng du lịch danh giá. Tại Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố du lịch hút khách hàng đầu.
Về tự nhiên, sinh thái hay hạ tầng…, Đà Nẵng không ít tài nguyên, lợi thế để đưa du lịch Việt Nam ra với thế giới, cạnh tranh trực tiếp cùng 3 thiên đường du lịch hàng đầu nêu trên.
Trước Covid-19, doanh thu từ du lịch đóng góp đến 80% giá trị kinh tế của Phuket, con số này với Bali từ 60-80% GDP. Với 2 điểm đến này, du lịch là ngành xương sống. Đà Nẵng cũng tương đồng, năm 2019, du lịch đóng góp hơn 30% GRDP.
Trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, du lịch là ngành chiếm tỉ trọng cao, nhưng thành phố còn có nhiều ưu thế hơn các đô thị du lịch khác, bởi các mũi nhọn kinh tế song song là công nghiệp công nghệ cao, CNTT, thương mại dịch vụ… góp phần thu hút FDI và đội ngũ lao động, chuyên gia đến thành phố làm việc, sinh sống, chứ không quá phụ thuộc vào du lịch.
Trong định hướng phát triển đến 2045, Đà Nẵng đặt mục tiêu hướng đến đô thị lớn, sáng tạo, bản sắc, bền vững. Không chỉ là đô thị biển quốc tế, Đà Nẵng còn hướng đến trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, một thành phố đáng sống, đáng đầu tư tầm cỡ.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định: "Nhìn trong khu vực, hiện không có nhiều thị trường tiềm năng như Đà Nẵng, Phuket hay Bali là thị trường nghỉ dưỡng, chưa có sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng và ở lâu dài như Đà Nẵng. So với thị trường nghỉ dưỡng trong khu vực, Đà Nẵng khá đặc biệt, là thị trường giàu tiềm năng"
Khác biệt trở thành riêng biệt
Năm 2018, Đà Nẵng xuất sắc là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới do Live and Invest Overseas bình chọn. Sự công nhận của các chuyên gia quốc tế với Đà Nẵng xuất phát từ nhiều lợi thế khác biệt của thành phố mỗi năm thu hút đến 16.000 người đến làm việc, an cư.
Xét lợi thế vị trí, Đà Nẵng khá vượt trội, không chỉ có biển đảo như Phuket, Bali hay Maldives, mà còn sở hữu vị trí chiến lược về kinh tế lẫn an ninh, quốc phòng, mắt xích quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây.
Tuy nhiên, không chỉ vị trí, hạ tầng đô thị và dân sinh cũng góp phần không nhỏ để thành phố biển dần vươn đến tiêu chuẩn đáng sống. Nhiều năm qua, Đà Nẵng theo đuổi mục tiêu thành phố "5 không", "3 có", "4 an", cải thiện đáng kể cuộc sống người dân, mang đến thiện cảm tốt đẹp từ du khách.
Hệ thống y tế, giáo dục cũng được đẩy mạnh với 21 bệnh viện công/tư, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân đứng thứ 2 cả nước, cơ sở giáo dục quốc tế nhằm phục vụ nhu cầu giáo dục chất lượng cao ngày một tăng.
Đà Nẵng đã đưa mục tiêu trở thành thành phố đáng sống vào quy hoạch, định hướng phát triển đến năm 2030. Theo nhiều chuyên gia, để thực sự trở thành thành phố đáng sống đẳng cấp cao, Đà Nẵng còn nhiều việc cần làm.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: Làm được những nhiệm vụ đó, phải có liên kết phát triển giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đà Nẵng cần là một hình mẫu để thu hút và trở thành tổ ấm của "đại bàng". Đà Nẵng không chỉ cần đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ cùng kinh tế số mà còn cần phải là nơi đáng sống theo nghĩa "đại bàng" chọn là để sống, cần phát triển thêm các đô thị chất lượng cao, chuẩn quốc tế, bên cạnh bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu mua, thuê của công dân toàn cầu.
Nhìn về thị trường nhà ở cao cấp tại Đà Nẵng, chuyên gia từ CBRE cũng đánh giá TP.Đà Nẵng rất tiềm năng khi những khu đô thị "all in one" phục vụ mọi nhu cầu của cư dân sẽ không chỉ phục vụ khách là người nước ngoài, mà còn kéo theo nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM mua để cho thuê. Đặc biệt, trong bối cảnh các trào lưu như workcation, staycation, digital nomad ngày càng phổ biến.
Tạp chí Lonely Planet từng giới thiệu Đà Nẵng là một trong những đô thị thú vị nhất Việt Nam, đến từ ưu ái của tạo hóa với cảnh quan tuyệt đẹp, vị trí địa lý chiến lược, văn hóa và lịch sử.
Trong tương lai, nếu thành phố giải được bài toán đầu tư, thu hút chất xám, không lâu nữa, sự thú vị sẽ còn tăng thêm trong diện mạo của một thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư.
Bình luận (0)