Sự bùng nổ về số lượng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là mô tô, ô tô đã gây áp lực không nhỏ đối với hệ thống hạ tầng giao thông hiện có của TP.
2 giờ, tăng 3 ô tô
Theo báo cáo của Sở GTVT, tính tới giữa năm nay, TP.Đà Nẵng đã có hơn 994.000 phương tiện giao thông, trong đó 909.710 mô tô, 84.290 ô tô, bao gồm 1.700 taxi của 6 doanh nghiệp. Bình quân mỗi tháng, TP có khoảng gần 1.000 ô tô và 4.000 mô tô đăng ký mới; trung bình 2 giờ, tăng khoảng 3 ô tô. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có trên 110.000 ô tô (tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2015) và trên 1 triệu mô tô, xe máy. Ngoài lượng xe đăng ký tại TP, xe ngoại tỉnh tham gia giao thông trên địa bàn TP chiếm khoảng 21%. Phương tiện giao thông cá nhân nói chung, xe máy nói riêng vẫn đang là loại hình giao thông chính yếu của người dân với hơn 97% số hộ gia đình ở Đà Nẵng sở hữu xe máy... Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chỉ mới đáp ứng được 1 - 2% nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết hạ tầng giao thông khu vực trung tâm nhỏ hẹp, tỷ lệ đất giao thông thấp, khó khăn trong việc cải tạo nâng cấp, mở rộng. Tình trạng thiếu đất bố trí cho giao thông tĩnh dẫn đến tình trạng đậu đỗ xe tràn lan trên các tuyến đường khu vực trung tâm (các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà...).
Qua giám sát, Ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng nhận thấy tiến độ triển khai dự án các bãi đỗ xe công cộng rất chậm. Đến nay, TP mới chỉ đầu tư xây dựng được bãi đỗ xe tại vị trí 255 Phan Chu Trinh; 18 vị trí đậu đỗ xe còn lại đang kêu gọi xã hội hóa nhưng vẫn chưa xây dựng được cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích thu hút nhà đầu tư... Trong năm 2017 và 2018, TP đã đầu tư xây dựng được 25 vịnh dừng, đỗ xe nhưng bị một số hộ dân chiếm dụng làm bãi đỗ xe cá nhân. Hiện địa phương vẫn chưa có giải pháp căn cơ để khắc phục.
Giao thông trong “chiếc áo chật”
Theo ông Nguyễn Thành Tiến, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra cục bộ tại một số khu vực, tuyến đường giao thông chính diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm, nhất là tại khu vực các trường học và các khu dân cư đông đúc, khu du lịch, nút giao thông trọng điểm (như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý...). Công tác phân luồng giao thông, chống ùn tắc mặc dù đã được triển khai, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Đáng chú ý, TP.Đà Nẵng đã đầu tư 12 tuyến xe buýt phục vụ người dân với gần 166 xe buýt hoạt động, tuy nhiên do hạn chế mạng lưới xe buýt bao phủ, kết nối các khu vực trong TP cũng như các giải pháp tuyên truyền sử dụng giao thông công cộng chưa hiệu quả nên số lượng khách sử dụng xe buýt vẫn không được như kỳ vọng.
KTS Tô Văn Hùng phân tích, bất cập từ hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ chính là nguyên nhân làm chậm tốc độ lưu thông và tiềm ẩn ùn tắc giao thông cục bộ. Theo ông Hùng, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật giao thông tuy được cải thiện nhưng không thể theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của các phương tiện giao thông cá nhân. Việc cho phép người dân thuê một phần vỉa hè làm nơi buôn bán, đậu xe gắn máy nên phần còn lại của vỉa hè không đủ cho người đi bộ, buộc người đi bộ phải sử dụng một phần lòng đường để đi nên rất nguy hiểm.
“Siết” phương tiện giao thông cá nhân
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 vừa diễn ra, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng, cho biết để giảm ùn tắc, 2 năm qua Sở đã triển khai thực hiện đề án tăng cường vận tải công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cũng cho rằng, trước áp lực ùn tắc giao thông, đề án tăng cường phương tiện vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân phải được đẩy nhanh. Về việc xây dựng các bãi đỗ xe, ông Trung đề nghị các ngành phải tham mưu cơ chế về giá đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư; đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi đỗ xe 255 Phan Chu Trinh, bãi đỗ xe 166 Hải Phòng...
|
Hạn chế xe khách cỡ lớn vào trung tâm Đà Nẵng
Ngày 19.7, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND - UBND TP.Đà Nẵng có thông báo kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng tại buổi họp về kết quả dự án điều tra khảo sát và phân luồng tổ chức giao thông khu vực trung tâm TP. Theo đó, UBND TP thống nhất, về phương án điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ vào trung tâm TP, hạn chế lưu thông trên các đoạn, tuyến đường nằm bên trong khu vực các tuyến đường bao: Nguyễn Tất Thành - Lý Thái Tông - Hoàng Thị Loan - Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - đường 2.9 - Bạch Đằng - đường 3.2 - Nguyễn Tất Thành (các tuyến đường bao được phép lưu thông) trong thời gian 11 - 12 giờ, 16 - 19 giờ. Sở GTVT nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng đường, xây dựng đường trên cao... trên một số tuyến đường trục chính: Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương; Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - cầu Nguyễn Tri Phương; đường 2.9 -Cách Mạng Tháng 8...
|
Bình luận (0)