Chặt cây để san ủi đất, đào hồ nước
Thời gian gần đây, người dân ở thôn An Sơn (xã Hòa Ninh, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) phản ánh một cá nhân ngang nhiên san ủi đất, tạo hồ nước, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để làm khu du lịch sinh thái.
Điều khiến người dân địa phương bức xúc là nhiều lần phản ánh vụ việc này với chính quyền địa phương nhưng không nhận được phản hồi.
Ngày 8.5, PV Thanh Niên có mặt tại thôn An Sơn ghi nhận hoạt động xây dựng tại khu du lịch sinh thái.
Khu đất này nằm sâu trong thôn An Sơn, chủ đầu tư đã xây dựng hàng rào chắc chắn. Từ bên ngoài hàng rào có thể quan sát thấy một khu vực đất rộng đã được cải tạo địa hình và xây dựng nhiều hạng mục, đào hồ nước tạo cảnh quan và xây bờ kè đá... Ở vị trí trung tâm, được san ủi tạo đồi dốc và trồng cỏ. Đáng chú ý, ở giữa quả đồi được đổ bê tông xây bậc thang, làm nền xi măng và kè đá.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông H.L (trú thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, H.Hòa Vang) cho biết trước đây khu đất nông nghiệp này thuộc sở hữu của người dân trong thôn, được sử dụng trồng cây keo tràm. Thế nhưng 2 năm gần đây, khu đất này được dựng hàng rào để xây dựng khu du lịch bên trong. Nhiều lần ông L. cùng một số hộ dân có nêu thắc mắc về khu du lịch này với UBND xã Hòa Ninh nhưng không nhận được phản hồi.
"Đất này trước đây trồng keo tràm nhưng không biết sao có người lên mua hết của mấy hộ dân rồi chặt cây, ủi đất để xây dựng khu du lịch. Nếu là đất nông nghiệp sao có thể xây dựng rầm rộ như vậy? ", ông L. nói.
Xây dựng rầm rộ rồi mới xin phép
Trả lời về việc khu du lịch xây dựng rầm rộ trên đất nông nghiệp, lãnh đạo UBND xã Hòa Ninh cho biết, phần đất được rào lại mà người dân phản ánh thuộc sở hữu của ông N.K (57 tuổi, trú Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) với diện tích hơn 10 ha.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Phú Năng, cán bộ địa chính xã Hòa Ninh cho biết, vào tháng 5.2022, ngay khi phát hiện ông N.K xây dựng nhiều hạng mục trái phép trên đất nông nghiệp, UBND xã Hòa Ninh đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông K. 3,5 triệu đồng về vi phạm hủy hoại đất do san ủi làm biến dạng địa hình đất. UBND xã Hòa Ninh buộc chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
"Hiện nay trên vị trí này không có hoạt động xây dựng và chủ đầu tư đang cho trồng cây. Về trường hợp vi phạm của ông K., ngày 30.3, xã đã có gửi báo cáo về UBND H.Hòa Vang xin chỉ đạo", ông Năng thông tin.
Theo ông Năng, hiện tại khu đất của ông K. có lắp đặt 2 container để chứa dụng cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong khuôn viên đất có 1 nhà cấp 4 hơn 30 m2 đã được xây dựng trước năm 2010. Ngoài ra, chủ đầu tư đã xây dựng một bờ kè để chắn đất chống sạt lở, kết cấu bê tông cốt thép, dài 111,4 m, cao 1 m so với mặt đất hiện trạng.
Ngày 10.5, lãnh đạo UBND H.Hòa Vang xác nhận với Thanh Niên, đến nay địa phương chưa cấp phép xây dựng cũng như hoạt động khai thác du lịch đối với khu đất nông nghiệp của ông K. (tại thôn An Sơn, xã Hòa Ninh). Về vấn đề người dân tại thôn An Sơn phản ánh việc xây dựng diễn ra ở khu đất của ông K., lãnh đạo UBND H.Hòa Vang cho biết thêm địa phương sẽ kiểm tra và sớm có thông tin phản hồi với báo chí.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa thông tin H.Hòa Vang cho biết, cách đây 2 tháng, ông K. có nộp hồ sơ xin phê duyệt khu vực đất này thuộc tổ hợp tác nông nghiệp gắn với du lịch tại thôn An Sơn nhưng vẫn chưa được chính quyền phê duyệt.
"Hồ sơ ông K. xin cấp phép thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp có diện tích hơn 100.000 m2. Tuy nhiên, hiện phòng chức năng huyện vẫn đang tham mưu cho UBND huyện chứ chưa phê duyệt", ông Tân cho hay.
Trước đó, vào tháng 2.2022, UBND TP.Đà Nẵng ban hành quyết định số 487/QĐ-UBND về ban hành Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn H.Hòa Vang.
Thời gian thực hiện thí điểm Đề án từ năm 2022 đến năm 2025. Số lượng mô hình thí điểm tối đa không quá 15 mô hình trên địa bàn H.Hòa Vang. Việc thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản phải tuân theo nguyên tắc khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày, người dân đô thị và trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên. Không thay đổi mục đích sử dụng đất, rừng. Không thay đổi kết cấu và hiện trạng đất, rừng. Không làm thoái hóa tính chất và môi trường đất nông nghiệp. Không gây ô nhiễm nguồn nước, không thay đổi cơ cấu cây trồng. Các hạng mục cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung...
Bình luận (0)