Trồng to rồi thay nhỏ
Những ngày này, người dân trên đường Nguyễn Văn Linh tiếc nuối khi Công ty Công viên cây xanh TP chặt hạ, di dời 79 cây, đa phần là muồng tím gốc hơn 20cm, bóng mát rượi, để thay bằng 48 cây muồng, 32 cây lim xẹt thân khẳng khiu đường kính chỉ 7-8cm. Câu chuyện cây xanh từng ám ảnh người dân trên tuyến đường đắt giá này. Hơn chục năm trước, trục đường được trồng dày đặc hoa sữa, từ nồng nàn thành… nồng nặc, tra tấn người dân. Khi chỉnh trang, nối dài đường Nguyễn Văn Linh, hoa sữa bị đốn hạ, thay thế bằng muồng tím đường kính 15-20cm. Loài cây này cho tán nhanh, sớm có bóng mát nên người dân rất hoan hỉ. Thế nhưng, siêu bão Nari tháng 10.2013 đã “khai quật” lên hàng loạt cây trồng dối như: bọc rễ còn nguyên bao ni lông, trồng cây trên mương thoát nước, hệ thống cáp ngầm… Hàng loạt cây ngã đổ khiến nhiều ô tô bị hư hại nặng nề. Sau đó, nhiều gốc cây được gia cố bằng trụ sắt. Niềm vui bóng mát chỉ kéo dài được vài năm thì nay cây to bị bứng đi nhường chỗ cho cây nhỏ?
Ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP giải thích đang thay thế các cây to, hư hại, có nguy cơ ngã đổ. Nguyên do, khi chỉnh trang đường Nguyễn Văn Linh, chủ đầu tư là Sở GTVT tự trồng cây, sau nghiệm thu thì bàn giao cho công ty bảo dưỡng. “Công ty không tán thành trồng cây lớn, bởi theo Thông tư 20 của Bộ Xây dựng, cây trồng mới hay thay thế đường kính chỉ 5-6cm, cao 3m vì hệ rễ cây non phát triển nhanh, còn cây lớn vừa chi phí cao, khi trồng phải xén rễ, rễ phát triển yếu trong khi tán lá mạnh, dễ ngã đổ khi thiên tai”, ông Thứ cho hay. Cũng theo ông Thứ, các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Thăng Long, hay dọc sông Phú Lộc, cầu Trần Thị Lý cũng bị tình trạng tương tự nên sau những trận bão, công ty phải bồi thường cho các chủ xe ô tô bị cây ngã đè. Nhiều tuyến có lòng đường, vỉa hè hẹp cũng mang cây lớn về trồng nên khi có bão lớn xảy ra cây ngã đổ rất nguy hiểm tính mạng, tài sản người dân. Công ty Công viên cây xanh TP cũng đã kiến nghị không trồng cây lớn, nhưng lãnh đạo TP cho rằng cần thiết trồng ở một số tuyến đường chính để sớm có bóng mát.
Bất cập kéo dài
Thực tế, Thông tư 20 đã có từ 2005, nhưng khi trồng các đơn vị không áp dụng, giám sát. Ngay cả Công ty Công viên cây xanh TP khi tham gia nghiệm thu cũng căn cứ theo đơn vị thiết kế, để nay ngân sách phải giải quyết hậu quả... Bài toán tổng thể cây xanh TP còn có nhiều bất cập khác. Theo hồ sơ, năm 2003, sau 10 năm giải tỏa, chỉnh trang đô thị, Đà Nẵng chặt hạ hơn 7.000 cây xanh (1/3 cây xanh đường phố lúc này), trong đó đa phần cổ thụ, khiến tỷ lệ cây xanh chỉ còn 0,35m2/người (tiêu chuẩn 5m2/người). Để thực hiện đề án quy hoạch cây xanh đến 2010, Công ty Công viên cây xanh TP đã tách thành 2 công ty, ngân sách đầu tư gần 35 tỉ đồng để trồng mới hơn 300.000 cây trong 7 năm, nâng tỷ lệ cây xanh lên 5m2/người. Tiếp đó là đề án Phát triển cây xanh giai đoạn 2011-2015, 2 công ty sáp nhập, chi gần 360 tỉ đồng, tỷ lệ cây xanh được trồng lên mức 7,2m2/người, nhưng cây xanh vẫn xung đột với hệ thống điện, cáp ngầm, cấp thoát nước do vỉa hè nhỏ hẹp, không gian xanh còn ít.
Đề án 2011- 2015 có nhiều nhóm giải pháp quy hoạch nhưng thực tế chưa đạt được những gì đề ra. Ông Thứ dẫn chứng, những năm qua công ty đề nghị Sở Xây dựng thay thế toàn bộ cây trúc đào, loài cây độc hại trên các dải phân cách nhưng không có phản hồi. Đồng thời, hiện có nhiều dự án, đơn vị khác trồng cây xong không bàn giao, nhưng khi xảy ra sự cố thì công ty phải xử lý. Do đó mới có chuyện công ty xin Sở Xây dựng cho phép được… từ chối chăm sóc cũng như dọn dẹp khi cây gãy đổ. Ông Thứ nói công ty sẽ công bố danh sách các đơn vị trồng cây gian dối để người dân biết.
“Hiện đã có quy định buộc các đơn vị trồng cây phải có công ty giám sát, nhưng thực tế hàng chục ngàn cây được trồng cho mỗi dự án, thì không đủ người theo kịp. Cách tốt nhất chống gian dối trong việc trồng cây xanh đường phố là hướng dẫn chính quyền địa phương, người dân khu vực về yêu cầu kỹ thuật để họ giám sát, vì họ là người trực tiếp hưởng thụ cây xanh”, ông Thứ nói.
Theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, còn nhiều bất hợp lý như đường vành đai phía nam ở xa, chưa có dân nhưng dải phân cách thảm hoa, thảm cỏ lớn, gây lãng phí ngân sách và khó khăn cho việc chăm sóc thường xuyên. Ngoài ra, xung đột giữa điện lực và cây xanh cũng chưa có hồi kết. Dù đã có quy chế phối hợp nhưng khi nào lưới điện còn nằm trên ngọn cây thì xung đột giữa phát quang hành lang tuyến điện và nhu cầu sinh trưởng của cây bóng mát vẫn tiếp diễn.
|
Bình luận (0)