Người dân vào TP khai báo và được cấp QRcode tự động
Tối nay 26.9, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng (BCĐ), ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết thời gian tới người dân từ các nơi sẽ vào TP rất đông cho nên các địa phương cần tập trung, không được chủ quan, lơ là, tự mãn với những gì đã đạt được. Đáng chú ý, người quay lại TP tạm trú cần khai báo, để được tổ chức tiêm vắc xin Covid-19.
Cụ thể, đối với kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19, ngành y tế phân bổ cho các quận, huyện tiêm tập trung cho các phường đang là điểm nóng. Các quận, huyện tiêm cho các phường chưa đạt được mặt bằng chung của TP (73% tiêm mũi 1) thì nhanh chóng bố trí tiêm, nâng tỷ lệ lên đạt thấp nhất 70% tiêm mũi 1.
Về việc kiểm soát người dân ra vào TP, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay theo hướng dẫn mới bắt buộc người dân sử dụng mã QRcode khi di chuyển. Do đó, ngành chức năng xây dựng hệ thống QRcode, thống nhất quan điểm người dân vào TP thì khai báo điện tử qua hệ thống QRcode và cấp tự động.
Theo ông Quảng, mục tiêu tạo QRcode là phải đánh giá người có nguy cơ hay không nguy cơ với các thông tin cụ thể về việc tiêm vắc xin, xét nghiệm, từng nhiễm Covid-19 hay không, đến từ đâu… Từ mã QRcode định danh cá nhân có thể kiểm soát việc người dân di chuyển để phòng chống dịch Covid-19.
|
Về việc bố trí lực lượng và các thiết bị kiểm soát tại các chốt, Sở TT-TT đi kiểm tra để tăng cường các thiết bị và hướng dẫn việc kiểm soát người dân bằng quét QRcode. “Nếu không làm việc này thì tới đây, người dân các địa phương đổ về thì các cửa ngõ sẽ tắc nghẽn và trở thành điểm lây nhiễm, sẽ rất nguy hiểm”, ông Quảng nói.
Ông cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra tạm trú của người dân. Trong thời gian tới, hơn 10.000 học sinh và người nhà về TP thì phải khai báo tạm vắng, tạm trú để TP tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nếu không khai báo thì không được tiêm vắc xin.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho hay ông nhận khá nhiều thông tin về việc trễ đăng ký về TP cho nên cần lập một đầu mối để xử lý tình huống phát sinh.
Cơ sở dịch vụ muốn hoạt động lại phải có phương án
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, TP chuẩn bị mở lại hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, TP đang chờ hướng dẫn tạm thời của T.Ư về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt…; khi có quyết định chính sẽ triển khai thực hiện.
Ông Quảng chỉ đạo BCĐ cần chuẩn bị các văn bản, để khi có hướng dẫn thì ban hành liền để thực hiện. Văn phòng UBND TP và Sở TT-TT, Ban Tuyên giáo Thành ủy cần truyền thông trước dự thảo chỉ thị và một số nội dung cơ bản của quyết định tạm thời.
“Sau khi mở lại sẽ có các điều kiện kèm theo. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, cửa hàng, kinh doanh… muốn mở lại thì phải có phương án theo quy định của Bộ Y tế. Có 7 nhóm hoạt động được mở lại đều được chú thích theo các quyết định của Bộ Y tế. Cần thông tin sớm để các cơ sở, kinh doanh, dịch vụ để chuẩn bị có phương án. Về nguyên tắc phải có phương án mới được mở lại, còn không có thì không được mở. Phải có biện pháp kiểm soát người khi đến các địa điểm kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Quảng nói.
|
Ông Quảng cho hay, mỗi cá nhân phải thực hiện khai báo và sử dụng mã QRcode khi tham gia các hoạt động sinh hoạt, học tập, làm việc, kinh doanh, dịch vụ… Dó đó cần xây dựng sớm các trường khai báo và tuyên truyền cho người dân vào khai báo để khi triển khai, người dân ra ngoài thì không phải kiểm soát bất cứ việc gì cả mà chỉ còn kiểm soát theo hướng dẫn tại nơi tập trung đông người, khu thương mại, nơi làm việc…
Tại cuộc họp, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, chỉ đạo Sở TT-TT cần nghiên cứu để đưa 4 cấp độ thích ứng với dịch bệnh cũng như các chỉ số tương ứng. Ngành y tế phải có hướng dẫn cụ thể về thiết lập trạm y tế lưu động, rà soát lực lượng lưu động khi cần có thể tận dụng như cán bộ y tế nghỉ hưu, sinh viên…; ngành y tế các quận, huyện cần tập trung tiêm vắc xin Covid-19 lưu động cho một số điểm nóng...
Cần sớm phục hồi chợ truyền thốngÔng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết hiện nay đường rộng 7,5 m trở lên vẫn còn chốt kiểm soát khá nhiều. Ví dụ, cầu Khuê Đông người dân đi qua chốt chỉ có 100 m nhưng thay vì đi 100 m thì vòng qua P.Hòa Quý xa hơn 10 km. “Tôi đề nghị các quận, huyện rà soát những đường lớn, đường chính và xem xét tháo dỡ chốt kiểm soát, chỉ để lại chốt trong vùng khu dân cư, để quản lý người dân ra vào vùng xanh”, ông Triết nói.
Ngoài ra, một số chợ truyền thống hiện chưa mở, nhưng nhu cầu người dân đi chợ khá đông. “Tôi đi kiểm tra tại chợ đầu mối Hòa Cường, người dân bán cá tràn ra đường Lê Thanh Nghị, nguy cơ lây nhiễm cao. Đề nghị sớm phục hồi chợ truyền thống để dễ quản lý”, ông Triết nói.
|
Bình luận (0)