Đà Nẵng nỗ lực thu hút đầu tư lĩnh vực mũi nhọn

19/06/2024 15:06 GMT+7

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, TP.Đà Nẵng vẫn là một cực thu hút đầu tư hiệu quả, với nhiều giải pháp thiết thực.

Theo Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng, từ ngày 15.3 đến 15.4, TP.Đà Nẵng thu hút đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng thêm với tổng vốn hơn 12.000 tỉ đồng, gấp 10,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó đáng chú ý là các dự án ngoài các KCN chiếm phần lớn vốn đầu tư.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (ngoài các KCN) với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỉ đồng, tăng 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2023, thu hút 21,6 triệu USD vốn FDI (tăng 29,17%), cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.241 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ 4.345,1 tỉ đồng.

Đoàn xúc tiến đầu tư TP.Đà Nẵng do ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn tại Cảng Le Havre  ẢNH: V.M

Nhà máy sản xuất dược phẩm và trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao do Danapha đầu tư trên 1.000 tỉ đồng quy mô 3 ha tại Khu Công nghệ cao

ẢNH: V.M

Số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng 14,14% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến tháng 4.2024, trên địa bàn thành phố có 377 dự án đầu tư trong nước (ngoài các KCN) với tổng vốn đầu tư là 210.817 tỉ đồng và 399 dự án trong nước (trong các KCN) với vốn đầu tư 34.346,5 tỉ đồng; 1.015 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,3 tỉ USD; 40.576 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 257.065 tỉ đồng.

Theo BQL Khu Công nghệ cao và các KCN, có nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực mũi nhọn của thành phố như công nghệ cao, bán dẫn, hàng không vũ trụ quan tâm đến TP.Đà Nẵng. Như Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao quy mô hơn 3 ha Khu Công nghệ cao của Công ty CP Dược Danapha với công nghệ hiện đại trên dây chuyền sản xuất thuốc tự động hóa, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Công ty CP Tập đoàn Sun Electronics phát triển kế hoạch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn tại Khu Công nghệ cao...

Tập đoàn Foxlink (Đài Loan) đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy linh kiện điện tử lên đến 400 triệu USD. Tập đoàn ICT Vina (Hàn Quốc) đầu tư giai đoạn 2 nhà máy Dentium khoảng 277 triệu USD về y học công nghệ cao.

Đà Nẵng nỗ lực thu hút đầu tư lĩnh vực mũi nhọn- Ảnh 2.

Đoàn xúc tiến đầu tư TP.Đà Nẵng do ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn tại Cảng Le Havre

ẢNH: NGUYỄN TÚ

TĂNG TỐC NGAY TỪ ĐẦU NĂM

Theo Sở KH-ĐT, để tạo lợi thế thu hút đầu tư, TP.Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh đầu tư công nhằm tạo đòn bẩy, theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của thành phố được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 7.291 tỉ đồng, HĐND và UBND TP.Đà Nẵng giao 8.881 tỉ đồng.

Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với lộ trình đến 30.6 giải ngân 30%, 30.9 đạt 50%, 31.12 đạt 80% và 31.1.2025 đạt trên 95% kế hoạch.

UBND thành phố cũng thể hiện quyết tâm bằng cách lập Tổ công tác đôn đốc, xử lý hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, do ông Nguyễn Hà Nam, Chánh Văn phòng UBND thành phố làm Tổ trưởng. Hai tổ phó là bà Trần Thị Thanh Tâm và ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng, nhằm rà soát các khó khăn, vướng mắc, tìm hướng tháo gỡ, đề xuất xử lý ở các sở, ngành cụ thể.

Đoàn xúc tiến đầu tư của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh làm việc với Tổ chức PUM tại Hà Lan về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững ẢNH: V.M

Đoàn xúc tiến đầu tư của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh làm việc với Tổ chức PUM tại Hà Lan về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững

ẢNH: V.M

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết thêm, từ những tháng đầu năm đã yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng 40 công trình và khởi công 39 công trình, với kế hoạch, lộ trình, tiến độ chi tiết, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố nếu không hoàn thành, chậm tiến độ.

Đối với vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng, UBND thành phố đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các địa phương tự quyết định mức hỗ trợ hộ giải tỏa, các sở chịu trách nhiệm nếu phát sinh thủ tục liên quan.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị quyết tâm vượt khó, tự lực, chủ động thích ứng linh hoạt, hành động quyết liệt, sáng tạo, bám sát chủ đề năm 2024: "Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội".

Nhà máy sản xuất dược phẩm và trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao do Danapha đầu tư trên 1.000 tỉ đồng quy mô 3 ha tại Khu Công nghệ cao ẢNH: NGUYỄN TÚ

Sản xuất máy tính bảng tại nhà máy EMS Khu CNTT tập trung

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT, UBND thành phố đã giao 11 giải pháp trọng tâm cho các đơn vị để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Một là tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, hoàn thành phê duyệt 9 phân khu, 7/10 phân khu xây dựng khu chức năng, thẩm định các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.

Hai là triển khai hiệu quả chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội.

Ba là đề xuất Trung ương các vấn đề thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.

Bốn là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính, khuyến khích tư nhân đầu tư hạ tầng, tăng cường đối thoại doanh nghiệp.

Năm là đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, có giải pháp xử lý ngập úng.

Sáu là đẩy nhanh dự án KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh, Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam và Hòa Nhơn, đẩy mạnh thu hút đầu tư Khu công nghệ cao, Khu CNTT tập trung.

Bảy là tiếp tục triển khai đề án thành phố thông minh và chuyển đổi số.

Tám là hoàn thiện các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, đề án nguồn nhân lực chất lượng cao một số ngành mũi nhọn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Chín là đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững, trợ giúp xã hội, tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em.

Mười là tiếp tục hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Giải pháp cuối cùng là tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh trật tự.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.