Đà Nẵng siết chặt trái tuyến ở những trường trọng điểm

19/08/2014 15:49 GMT+7

(TNO) Ngày 19.8, Thành ủy Đà Nẵng có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, các lãnh đạo quận, huyện về những vấn đề giáo dục trước thềm năm học mới 2014-2015. Nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra bàn thảo.


Nếu không kịp thời đầu tư cơ sở vật chất, thì kế hoạch 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày năm học 2015-2016 sẽ khó thực thi - Ảnh: Diệu Hiền 

Đẩy mạnh đầu tư các công trình trường học

Đó là ý kiến của hầu hết các phó chủ tịch phụ trách văn hóa, xã hội của các quận, huyện khi bàn về vấn đề phấn đấu đạt nghị quyết của HĐND TP đề ra, đến năm học 2015-2016, 100% học sinh tiểu học đều được học 2 buổi/ngày.

“Nếu quyết tâm thực hiện thì lãnh đạo TP phải đầu tư sớm, để xây dựng cơ sở vật chất trong năm học này, thì sang năm mới đáp ứng được nhu cầu cho 100% học sinh tiểu học trên toàn địa bàn được học 2 buổi/ngày! Nếu chậm trễ thì không thể thực hiện được theo đúng lộ trình đã đề ra!”, ông Trần Đình Chiến, Phó chủ tịch quận Thanh Khê phát biểu.

Phó chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Trong năm nay và năm tới, TP phải dành ưu tiên tối đa, dành mọi nguồn lực cho việc thực hiện 100% học sinh tiểu học học ngày 2 buổi; các ngành liên quan phải cùng chung tay, nhanh chóng đưa ra những việc làm chi tiết để thực hiện rốt ráo!”.

Tiếp tục đẩy mạnh việc siết chặt trái tuyến ở những trường trọng điểm

Theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Anh, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Đà Nẵng thực hiện việc siết chặt trái tuyến tại các trường tiểu học trọng điểm của Đà Nẵng nhằm phá bỏ hiện tượng chạy trường, chạy lớp, gây nên tình trạng quá tải ở các trường tiểu học Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh, Trần Cao Vân và THCS Trưng Vương là một việc làm kịp thời, đúng đắn của chính quyền địa phương.

Theo ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, việc thực hiện siết chặt trái tuyến không chỉ được thực thi vào đầu năm học, mà sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát sang học kỳ 2, và lên những năm kế tiếp, để tránh tình trạng học sinh học 1 học kỳ rồi lại chuyển về lại những ngôi trường này.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều vấn đề về chóng lạm thu, tránh lãng phí, việc thực hiện xã hội hóa các bể bơi để học sinh tiếp tục tiếp cận với việc học bơi dễ dàng...

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng đưa vấn đề về việc biên soạn tài liệu giảng dạy về quần đảo Hoàng Sa, đưa vào giảng dạy cho học sinh Đà Nẵng trong năm học 2014-2015. Theo ông Hùng, việc biên soạn tài liệu này và đưa vào chương trình học của học sinh THCS và THPT là không dễ dàng. Trước hết là việc biên soạn tài liệu giảng dạy như thế nào cho đảm bảo tính khoa học, chính xác, đảm bảo tính lịch sử.

Bên cạnh đó, việc đưa vào chương trình giảng dạy nội khóa cũng phải nghiên cứu đan xen vào trong chương trình của các môn học nào là phù hợp. “Hiện chúng tôi đã xem xét và có kế hoạch xây dựng tổng cộng 11 tiết học cho từ khối lớp 6 đến lớp 12 sẽ học chương trình này, bình quân mỗi năm học chưa quá 2 tiết. Đó là những tiết học nội khóa có thể chen vào trong chương trình học!”, ông Hùng cho biết. Và tài liệu sau khi biên soạn cùng với Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, sẽ tiếp tục nghiên cứu hình thức phổ biến tài liệu theo dạng sách có xuất bản, hay tài liệu lưu hành trong trường học, sẽ phát miễn phí hay phụ huynh học sinh mua như mua những giáo trình.

Bài, ảnh: Diệu Hiền

>> Bảo tồn giá trị truyền thống trong môi trường giáo dục quốc tế
>> Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 'vào vai' người dân, đi dự hội nghị giáo dục
>> Đẩy mạnh giáo dục bằng các giải pháp CNTT
>> Xây dựng Quy Nhơn thành điểm đến khoa học, giáo dục
>> Huỳnh Minh Việt và nguyện vọng đóng góp cho giáo dục Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.