Nguy cơ sạt lở, bùn trôi vào nhà sau mưa
Mấy ngày qua, chỉ sau mỗi trận mưa lớn, nhà của một số hộ dân thôn Hòa Thọ (xã Hòa Phú, H.Hòa Vang) lại bị bùn đất theo nước mưa trôi vào nhà. Khu vực đồi trên đường vành đai phía tây (đoạn Km 5+200 đến Km 6+740) thường xuyên sạt lở, ảnh hưởng đường sá, đất canh tác và nhất là người dân lo đất đá tràn vào nhà.
Theo thống kê của UBND xã Hòa Phú, nguy cơ sạt lở đe dọa 30 hộ thôn Hòa Thọ. Mặc dù đã làm rọ đá chắn chân đồi nhưng khối lượng đất đá còn quá lớn, người dân mong muốn hạ độ cao, giải phóng bớt lượng đất đá có nguy cơ đổ xuống.
Đầu tháng 7, UBND H.Hòa Vang kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng cho hạ thấp cao trình ngọn đồi để đảm bảo an toàn. Về lâu dài, cần nghiên cứu giải phóng toàn bộ khu vực đồi để giải quyết dứt điểm sạt lở, đồng thời tận dụng nguồn đất đá làm vật liệu san lấp đang thiếu trên địa bàn TP.Đà Nẵng.
Tuy nhiên, các sở ban ngành vẫn chưa thống nhất phương án xử lý trong khi mùa mưa bão năm nay dự báo đến sớm. Hiện UBND H.Hòa Vang xây dựng phương án ứng phó tạm thời khi sạt lở, di dời dân để đảm bảo an toàn.
Còn tại khe Bảy Mẫu chảy qua 3 xã Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Phú, người dân cũng đang nơm nớp lo sạt lở.
Dẫn chúng tôi đến cánh rừng bạch đàn ven khe Bảy Mẫu ở thôn 5 xã Hòa Khương, ông Nguyễn Lợi (69 tuổi, ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang) kể, ngày ông còn nhỏ, dòng suối sâu lút đầu người, nhưng hiện nay một nửa bồi lấp chỉ còn khe nước hẹp, một bên thì xói lở sâu vào những gốc bạch đàn, tạo nhiều hàm ếch.
"Ngó cạn rứa chớ tới mùa mưa là người dân sợ. Hễ xả nước trên đập Đồng Nghệ là nước dâng, tràn xuống nhưng lòng suối bị bồi lắng nên tràn ra hai bên bờ gây sạt lở, vào nhà dân. Anh em trong thôn hễ mùa mưa là phải dắt bò, bắt heo đưa lên vùng cao", ông Nguyễn Lợi nói.
Nguyên do, mấy chục năm qua, dòng suối này không được nạo vét để phát huy hiệu quả thoát nước, thoát lũ an toàn.
Ông Nguyễn Hào (61 tuổi, ở thôn An Châu, xã Hòa Phú) cho biết thêm, nhà ông cách khe Bảy Mẫu tầm hơn 50 m, nhưng vào mùa mưa lũ nước tràn cả vào nhà, chủ yếu cũng do dòng suối cạn, hẹp.
Nhiều công trình vẫn chờ
Báo cáo của UBND H.Hòa Vang dẫn chứng thêm, mùa lũ 2022, lượng nước từ hồ Đồng Nghệ chảy về nhiều, dòng suối hẹp nên tràn vào đất sản xuất gây thiệt hại hoa màu của người dân thôn 5, xã Hòa Khương. Dòng suối này là hệ thống chính để tiêu thoát nước từ hồ Đồng Nghệ. Hiện đường vành đai phía tây đã hoàn thành, cắt ngang suối làm ảnh hưởng đến thoát nước mùa mưa lũ sắp đến, vì vậy, huyện đề nghị UBND TP.Đà Nẵng chấp thuận chủ trương nạo vét dòng suối kết hợp xử lý một số đoạn bồi lấp.
Từ tháng 3.2023, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, Sở NN-PTNT, UBND H.Hòa Vang nghiên cứu chủ trương nạo vét khơi thông từ cầu Máng đến cầu Trắng đi qua 3 xã Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Phú.
Tháng 5.2023, UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo giao UBND H.Hòa Vang chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT lập thủ tục, phương án khơi thông suối dài khoảng 6,8 km, nạo vét khoảng 16 ha.
Qua lấy ý kiến người dân, chính quyền 3 xã, các sở ngành, địa phương xác định việc nạo vét suối là cần thiết để thoát lũ và chống ngập úng, đồng thời đề nghị đánh giá tác động môi trường, các phương án thi công đảm bảo chống sạt lở. Tuy nhiên, đến nay quy trình thủ tục đã hơn 1 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện, trong khi khe Bảy Mẫu bị bồi lấp cát thu hẹp dòng chảy, nguy cơ mùa mưa lũ sắp đến lại gây xói lở đất của các hộ ven bờ.
Ông Phan Duy Anh, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang cho biết, trên địa bàn còn có nhiều nguy cơ thiệt hại nặng nề trong thiên tai nếu không được chống ngập, xử lý sớm sạt lở, nạo vét như đèo La Ngà đường ĐT 601 (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc), đường 14B thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn), đoạn cuối sông Tây Tịnh, mở rộng thoát nước cầu Giăng sông Túy Loan…
Ngoài ra, một trong những nguy cơ mùa mưa lũ của khu vực nông thôn Hòa Vang là lượng nước từ thượng nguồn đổ về các xã đồng bằng rất lớn, trong khi hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, các tuyến kênh, trục tiêu thoát nước chính chưa nạo vét kịp thời, cửa thoát nước nhỏ hơn so với lượng nước khi mưa lớn xảy ra...
Theo ông Phan Duy Anh, có một số vướng mắc trong công trình ứng phó thiên tai như vướng quy hoạch, các phân khu chưa phê duyệt hết hay quy hoạch thoát nước, nhiều thủ tục chưa có hướng dẫn, các giải pháp ứng phó ở một số vị trí trọng điểm chỉ là tạm thời...
Bình luận (0)