(TNO) Lâu nay, Đà Nẵng được trìu mến gọi bằng nhiều danh hiệu như - Thành phố '5 không, 3 có', '10 nhất', 'năng động', 'của những chiếc cầu', 'đáng sống nhất Việt Nam'… Còn tôi, thích gọi Đà Nẵng là 'Thành phố tiên phong'.
Cầu vượt ngã ba Huế, TP.Đà Nẵng - Ảnh: Trung Nam Group cung cấp
|
Không chỉ vì lịch sử, khi người Pháp và Mỹ đều chọn Đà Nẵng để mở đầu xâm lược (1.9.1958) và can thiệp vào chiến tranh Việt Nam (8.3.1965). Đặc biệt, từ khi tách tỉnh và trực thuộc Trung ương vào 6.11.1996, Đà Nẵng luôn có những cách làm táo bạo, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, tạo nên một phong cách rất Đà Nẵng.
Để gần dân hơn và lắng nghe những hiến kế cũng như ý kiến trái chiều, lãnh đạo Đà Nẵng đã công khai cả số điện thoại lẫn email cá nhân. Cả chủ tịch lẫn bí thư thành phố đều gương mẫu thực hiện trước. Kỷ niệm 40 năm Đà Nẵng và miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, thành phố có lễ hội pháo hoa rất tuyệt vời. Lễ hội pháo hoa năm nay có đủ anh tài 5 châu lục, tổ chức vào tối 29 và 30.4. Chỉ riêng tiền bán vé, lấy giá thấp nhất cũng thu về trên 16 tỉ đồng trong khi kinh phí chủ yếu là xã hội hóa bằng tài trợ. Chưa kể doanh thu từ du lịch và những dịch vụ với lượng khách cả trong và ngoài nước đổ về kín đặc các cơ sở lưu trú, từ bình dân đến cao cấp, kể cả một số nhà dân (homestay).
Sáng 29.3 vừa rồi, kỷ niệm 40 năm ngày Đà Nẵng giải phóng, thành phố đã khánh thành cầu vượt ba tầng tại ngã ba Huế, một công trình dân sinh đẹp và hiện đại nhất nước. Không chạy theo những cái nhất phù phiếm, Đà Nẵng chọn cách xóa sổ điểm đen nóng nhất về tai nạn giao thông của thành phố (chiếm 30%) bằng công trình ý nghĩa. Thành phố còn mở cửa cho người dân vào tham quan và chia sẻ niềm vui suốt 3 ngày, trước khi công trình khánh thành và đưa vào hoạt động. Một cách làm rất Đà Nẵng, thể hiện sự trân trọng của Đảng bộ và chính quyền thành phố với nhân dân.
Nhưng ấn tượng và cảm động nhất đối với tôi không phải là mấy chuyện đó. Cả tuần nay, bạn bè ở Đà Nẵng, hết mail lại điện thoại rủ tôi ra chơi, đảm bảo thú vị. Năm nay, Đà Nẵng càng chơi đẹp khi xuất hơn 19 tỉ đồng ngân sách cho dân tổ chức liên hoan, bình quân mỗi người chừng 170.000 đồng. Thành phố có 5.875 tổ dân phố và 119 thôn. Mỗi tổ được tặng 3 triệu đồng, mỗi thôn được 12 triệu đồng. Các tổ dân phố, các thôn sẽ hùn thêm tiền, tùy điều kiện mà tổ chức liên hoan nhưng cấm say xỉn. Không chỉ ăn uống, mà còn ca hát, trò chơi và nhiều hoạt động rôm rả, từ cụ già tới em bé. Ngày 29.3 các bếp gia đình không nổi lửa để tham gia với cộng đồng, như một ngày tết riêng của thành phố.
Pháo hoa sẽ tiếp tục tỏa sắc trên sông Hàn - Ảnh: Diệu Hiền
|
Chị Trương Thị Mỹ Hạnh, tổ dân phố số 19, Nại Hiên Đông, Sơn Trà cho biết: “Dù công việc bận rộn, nhưng tôi vẫn về chung vui và sinh hoạt văn nghệ với bà con khu phố, vì có rất nhiều trò vui". Ông Nguyễn An, tổ 4A, Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ tâm sự: "Gia đình tôi rất phấn khởi, liên hoan là cầu nối tình cảm, không chỉ gắn kết người dân với nhau mà còn với chính quyền". Ông Nguyễn Hạnh, thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang kể: “Người dân trong thôn rất hào hứng. Buổi giao lưu bình dị, ấm cúng nhưng đầy ý nghĩa. Bà con hưởng ứng hết lòng”. Anh Nguyễn Văn Tài, hướng dẫn viên du lịch mong muốn “Đưa khách Tây về dự “Tết Đà Nẵng” với người dân thành phố”. Steven Nguyễn, Việt kiều Mỹ, ở quận Ngũ Hành Sơn thì dè dặt đề nghị: “Ngày hội quá vui và ý nghĩa. Nếu 30.4 là ngày hòa bình, thống nhất đất nước thì nhất định sẽ là niềm vui chung của cả người Việt khắp thế giới”…
Dù vẫn còn nhiều việc của chính quyền mà người dân chưa ưng ý, tôi vẫn tin Đà Nẵng sẽ tiếp tục giữ vững ngọn cờ Tiên phong. Bởi lãnh đạo thành phố luôn trân trọng, biết lắng nghe cả những ý kiến trái chiều.
Bình luận (0)