Thiếu hụt nhân lực CNTT trình độ cao
Sở TT-TT TP.Đà Nẵng cho biết, phát triển nguồn nhân lực số là một trong các nhiệm vụ thuộc nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo nền tảng cho chuyển đổi số của TP mà đề án chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định. Đây cũng là một trong các mục tiêu mà đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của TP.
Cụ thể, đến năm 2025, tổng số nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số của TP là 75.000 người và 115.00 người trong năm 2030 với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên từ 65-80%".
Về thực trạng nguồn nhân lực số, hiện TP.Đà Nẵng có 2,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân); tổng nhân lực CNTT toàn TP ước hơn 44.000 người, trong đó 20.500 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số; lương bình quân đạt 17,8 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá, TP đang thiếu hụt nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên, như: sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh, an toàn, an ninh thông tin...; nhân lực CNTT cho các vị trí lãnh đạo, như: trưởng nhóm (team leader), quản trị dự án (project manager), kỹ sư cầu nối (bridge engineering)... khan hiếm trong khi nhu cầu doanh nghiệp về lực lượng này rất cao dẫn đến tình trạng chèo kéo, nhảy việc giữa các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thiếu nhân sự giỏi và gắn kết lâu dài.
Trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, số lượng và chất lượng nhân lực chưa đảm bảo yêu cầu. Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT (Bộ TT-TT) mới được công bố gần đây, hiện 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và thiếu kỹ năng mềm. Chỉ khoảng 15% sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu. Sinh viên tốt nghiệp từ một số trường đại học của TP, như: ĐH Bách khoa, ĐH CNTT và Truyền thông Việt - Hàn, ĐH Duy Tân, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế,... đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nhưng chưa đảm bảo nhu cầu về số lượng của doanh nghiệp.
Xây dựng cơ chế thúc đẩy đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn
Theo thống kê, hiện toàn TP.Đà Nẵng có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT, trong đó 20 trường ĐH, CĐ và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy. Trong số các trường ĐH, CĐ, có 17 trường đào tạo chuyên ngành CNTT, 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần (điện tử - viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa, tin học thống kê, tin học xây dựng...).
Hiện nay, các trường ĐH tăng chỉ tiêu đào tạo ngành CNTT, trong đó đặc biệt chú trọng mở thêm chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch để đón đầu xu thế phát triển của ngành công nghiệp này trong thời gian tới.
Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng có chương trình đào tạo gắn liền với lĩnh vực vi mạch bán dẫn: điện tử viễn thông, CNTT, cơ điện tử, tự động hóa. Trường ĐH Duy Tân hình thành khoa điện - điện tử quản lý và triển khai đào tạo 5 chuyên ngành: thiết kế vi mạch nhúng, điện tử viễn thông, điện tự động, điều khiển - tự động hóa; cùng với chương trình tiên tiến cơ điện tử và điện - điện tử hợp tác với Đại học Purdue (Hoa Kỳ).
Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) đang đào tạo sinh viên ngành gần vi mạch bán dẫn và đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết và có kế hoạch phát triển chương trình để đào tạo 2.000 kỹ sư vi mạch, phần cứng và nhúng trong 5 năm đến…
Sở TT-TT TP.Đà Nẵng cho hay, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao tại đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư lĩnh vực công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số và kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực CNTT phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025.
TP.Đà Nẵng triển khai đào tạo và thu hút chuyên gia trong lĩnh vực chip bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn; đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, ứng dụng về blockchain...
Đáng chú ý, ngành chức năng TP.Đà Nẵng đang nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy triển khai đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn TP, như: cho vay các đối tượng người học; cho các chuyên gia, Việt kiều, người dạy về lưu trú; tiền công, tiền lương đặc thù đối với lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Bình luận (0)