BN cao 1 m 50, nặng 66 kg (béo phì), da vùng cổ đen xạm. Mẹ của BN cho biết: “Ở nhà, tôi có thấy cổ của con rất đen. Lúc đầu gia đình nhầm là bẩn, nhưng tắm không sạch được nên đã cho cháu đi spa tẩy trắng. Sau khi tẩy trắng, vùng da đen có mờ đi nhưng sau đó vẫn bẩn như trước khi tẩy da”. Ngoài cổ, vùng 2 bên nách của BN cũng có dấu hiệu tương tự.
TS-BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp khám cho BN trên, lưu ý vùng da đen xạm đó chính là dấu hiệu gai đen (Acanthosis Nigrican) trong hội chứng kháng insulin nặng. Insulin là hoóc môn có tác dụng kiểm soát đường huyết. Ở những người có tình trạng kháng insulin thì tác dụng của insulin bị giảm khiến cho đường huyết có xu hướng tăng cao, và dễ bị đái tháo đường thể 2.
“Kết quả xét nghiệm nồng độ insulin trong máu của trẻ gái nêu trên là 38,3 U/L, cao gần gấp 4 lần so với người bình thường, chứng tỏ insulin bị đề kháng nên cơ thể phải tiết ra nhiều insulin hơn mới có thể khống chế được đường huyết”, BS Bảy cho biết.
BS Bảy lưu ý: “Gai đen thường xuất hiện ở cổ và nách, hay gặp ở trẻ bị béo phì có hội chứng chuyển hóa hoặc hội chứng buồng trứng đa nang (trẻ gái). Những trẻ có dấu hiệu này có nguy cơ rất cao bị mắc đái tháo đường thể 2 cũng như các bệnh tim mạch”. Do đó, nếu thấy trẻ có dấu hiệu gai đen (da ở vùng cổ, gáy có màu đen xạm, không mịn đều như bề mặt da thông thường - ảnh), thì gia đình phải cho con đi khám ngay chuyên khoa nội tiết.
Theo BS Bảy, với các trường hợp nêu trên, biện pháp điều trị tốt nhất là giảm được cân nặng bằng các biện pháp như: tập thể dục tích cực và chế độ ăn. Một số trường hợp phải dùng thuốc để kiểm soát đường huyết. Các bậc cha mẹ cũng cần hạn chế cho trẻ ngồi chơi điện thoại và máy tính quá lâu, nhằm tránh nguy cơ bị béo phì.
Bình luận (0)