Đã phát hiện việc mua bán tạng từ người hiến

Liên Châu
Liên Châu
06/02/2023 11:14 GMT+7

Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, nhưng đang tồn tại tội phạm môi giới mua, bán bộ phận cơ thể người. Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn mua bán tạng từ người hiến.

Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua, bán bộ phận cơ thể người được Bộ Y tế tổ chức sáng nay 6.2, tại Hà Nội.

Đề xuất quy định chặt chẽ hơn ngăn chặn mua bán bộ phận cơ thể người - Ảnh 1.

Các đại biểu đề xuất cần quy định chặt chẽ hơn ngăn chặn mua, bán mô, bộ phận cơ thể người

NGUYỄN NHIÊN

Tại hội thảo, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não; đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng (gan).

Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép tạng; hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác.

Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống đang chiếm chủ yếu, với hơn 90% tổng số ca ghép tạng. Bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua, bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Do đó, yêu cầu phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới.

Tiền tỉ mua thận

Tại hội thảo, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, đã phát hiện các tội phạm mua, bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Đối tượng môi giới thường tìm đến các khoa nội trú lấy thông tin bệnh nhân, làm quen tiếp cận, môi giới và lập thành đường dây mua, bán bộ phận cơ thể người. Các bên môi giới mua, bán bộ phận cơ thể người lên mạng lập nhóm ghép tạng, nhóm nhu cầu ghép thận. Qua trinh sát, công an phát hiện có hàng trăm, thậm chí cả nghìn người/nhóm. Khi tiếp cận được người có nhu cầu ghép thận, đối tượng sẽ trao đổi riêng về mua, bán.

Những người bán thận chấp nhận bán để được một số tiền, trong khi lợi nhuận chủ yếu thuộc về các đối tượng môi giới. Trước đây, số tiền mua, bán khoảng 150 triệu đồng/ca ghép thận, nay lên 200 -  300 triệu đồng/ca, thậm chí 500 - 700 triệu đồng/ca. Có trường hợp, các đối tượng môi giới thu từ người ghép 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/thận, nhưng người bán chỉ nhận 200 - 250 triệu đồng/thận.

Người bán thận phần lớn có nhu cầu che giấu sự việc nên đối tượng dụ dỗ bán thận khó bị phát hiện. Thậm chí, mới đây cơ quan chức năng còn phát hiện, ngăn chặn mua, bán tạng từ người hiến.

Đề xuất quy định chặt chẽ hơn ngăn chặn mua bán bộ phận cơ thể người - Ảnh 2.

Ghép tạng từ người hiến đã cứu sống hàng nghìn người bệnh tại Việt Nam

TƯ LIỆU BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn mua, bán bộ phận cơ thể người.

Theo ông Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đang hoàn thiện các chính sách quy định về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự án luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người sửa đổi, trình Quốc hội trong thời gian tới.

"Trong đó, về phòng, chống mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, chúng ta quan tâm đến các vấn đề, như: bên cạnh hành vi nghiêm cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, có cần bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm người hiến và người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến, ghép không cùng huyết thống không? Vấn đề bảo mật thông tin người hiến, người ghép...", ông Thuấn nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.