Đã tìm được nơi trú ngụ tạm thời của phi hành gia ở sao Hỏa?

10/06/2024 14:25 GMT+7

Tàu thám hiểm quỹ đạo sao Hỏa (MRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện một hố đen bí ẩn bên sườn núi lửa Arsia Mons giờ đã ngưng hoạt động.

Đã tìm được nơi trú ngụ tạm thời của phi hành gia ở sao Hỏa?- Ảnh 1.

Ảnh chụp cho thấy hố đen bí ẩn trên sườn núi lửa

NASA

Tàu MRO đã sử dụng camera Thí nghiệm Khoa học Hình ảnh độ phân giải cao (HiRISE) để ghi lại hình ảnh chi tiết của hố đen bí ẩn, với bề ngang vài mét và lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 15.8.2022, theo Space.com.

Vào thời điểm chụp ảnh, tàu MRO ở cách bề mặt sao Hỏa khoảng 256 km.

Cái hố bí ẩn được cho có hình dạng trụ, thẳng đứng, phù hợp để các phi hành gia tạm thời nương náu trong quá trình thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.

"Sao Hỏa có khí quyển mỏng và thiếu từ trường, nên không thể đánh bật bức xạ từ không gian như trường hợp của trái đất. Vì thế, mức độ phơi nhiễm bức xạ trên bề mặt sao Hỏa trung bình cao gấp 40 đến 50 lần so với địa cầu", theo Space.com. Và cái hố này có thể cho phép phi hành gia tránh được bức xạ nguy hiểm trên sao Hỏa.

Bên cạnh đó, những cái hố đen như vậy có thể cung cấp thêm thông tin về sự sống trên sao Hỏa trong quá khứ. Thậm chí những cái hố này không loại trừ khả năng vẫn còn che chở sự sống dưới dạng vi khuẩn đang tiếp tục sinh sôi ở hành tinh đỏ.

Bên trong khu vực mô phỏng môi trường sống trên sao Hỏa của NASA

Sự hiện diện của những cái hố đen bên sườn các núi lửa cho thấy chúng có lẽ liên quan với hoạt động của núi lửa trên sao Hỏa. Những luồng chảy dung nham có thể diễn ra trong lòng đất, để lại hệ thống hang động kéo dài như trường hợp của mặt trăng và trái đất.

Đến nay vẫn chưa rõ những cái hố này sâu đến mức độ nào, cũng như liệu chúng có dẫn đến một hang động khổng lồ, hoặc điểm cuối chỉ là một cái hốc hình trụ cỡ nhỏ hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.