Đã tìm ra 3 đội giành giải tại cuộc thi 'Thách thức Net Zero 2024'

Thành Luân
Thành Luân
23/11/2024 06:22 GMT+7

Thách thức Net Zero là cuộc thi quốc tế có quy mô lớn nhất tại Việt Nam về tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Hiện tại, cuộc thi này đã tìm ra 3 đội thắng chung cuộc.

Theo đó, vào chiều 22.11 tại TP.HCM đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi Thách thức Net Zero 2024, với 9 đội thi được tuyển chọn từ 500 hồ sơ đến từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có một đội đến từ Việt Nam là RARE toles với giải pháp sơn phủ làm mát mái nhà, giúp tiết kiệm tới 30% năng lượng tiêu thụ thi ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và trung hòa CO2.

Đã tìm ra 3 đội giành giải tại cuộc thi 'Thách thức Net Zero 2024'- Ảnh 1.

Các đội giành giải tại cuộc thi 'Thách thức Net Zero 2024'

Ảnh: T.L

Cuộc thi do quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners (Việt Nam), Temasek Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận đến từ Singapore) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức.

Cuộc thi năm nay nhận được sự quan tâm từ các đối tác đến từ đa lĩnh vực, quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có Tổng Lãnh sự quán Úc, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Dragon Capital, Sembcorp (tập đoàn phát triển đô thị và năng lượng hàng đầu Singapore), HaoShi Foundation (tổ chức phi lợi nhuận từ Đài Loan), Sopoong Ventures (quỹ đầu tư tiên phong về tác động tại Hàn Quốc). Điều này khẳng định cam kết mạnh mẽ từ cả khối tư nhân và chính phủ toàn cầu trong việc hỗ trợ các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng giải thưởng trị giá 15 tỉ đồng không quy đổi cổ phần được trao cho 3 đội. Ngoài ra, Thách Thức Net Zero 2024 còn có hơn 6,5 tỉ đồng giải thưởng đầu tư và tiền mặt từ Touchstone Partners và các đối tác.

Trải qua vòng thi chung kết căng thẳng, kết quả ban tổ chức đã chọn ra 3 đội thắng giải theo từng lĩnh vực.

Cụ thể, đội CO2L Tech (Canada) với công nghệ thu hồi và chuyển hóa CO2 thành các hóa chất như axit formic và muối formate, giúp giảm 90% lượng phát thải carbon thắng giải ở lĩnh vực năng lượng tái tạo và trung hòa CO2.

Đội N&E Innovations (Singapore) với công nghệ lớp phủ và bao bì kháng khuẩn có khả năng phân hủy sinh học, được làm từ phế phẩm thực phẩm tái chế giúp giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20% thắng giải ở lĩnh vực hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững.

Đội Bygen (Úc) với công nghệ sản xuất than hoạt tính từ chất thải công nghiệp với chi phí sản xuất thấp hơn 60% thắng giải ở lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải.

“Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự góp mặt của các công nghệ mới trong lĩnh vực kinh tế xanh tại Việt Nam và luôn sẵn sàng hỗ trợ những sáng kiến này. Chúng tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để những dự án, công nghệ này được phát triển ở quy mô rộng hơn và góp phần vào mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, ông Trương Minh Huy Vũ, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.