Đã tìm ra thêm một phương thức điều trị cúm A H5N1 ở người?

09/06/2007 15:40 GMT+7

Mấy hôm nay, giới truyền thông trên thế giới dấy lên một niềm tin mới là đã có thể chiết tách được kháng thể kháng lại vi-rút AH5N1 ở người và có hiệu quả bảo vệ chuột thí nghiệm cho nhiễm H5N1 không bị bệnh. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu còn mạnh dạn tin tưởng rằng nếu được sử dụng đúng thời điểm và đủ liều lượng thì có thể đem lại lợi ích cho con người. Vậy giá trị ứng dụng đích thực của công trình này như thế nào?

Bối cảnh ra đời của nghiên cứu

Nghiên cứu này dựa trên nền tảng nguyên lý kháng nguyên - kháng thể và quan trọng hơn là dựa trên một quan sát thực nghiệm ở kỳ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Sau một thời gian ngắn diễn ra dịch, hàng triệu bệnh nhân bị chết nhanh chóng, giới bác sĩ đã nỗ lực mọi cách để cứu chữa những người còn lại; một trong các nỗ lực đó là sử dụng máu và huyết thanh của những người vừa bị cúm và bình phục để truyền cho bệnh nhân mới.

Và theo một nghiên cứu tổng hợp, hồi cứu lại các y văn của những năm 20 thế kỷ trước, các khoa học gia nhận thấy tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân được truyền máu thấp hơn so với những bệnh nhân không truyền. Mặc dù nghiên cứu y học vào những thời sơ khai đó có nhiều hạn chế về giá trị khoa học, nhưng cũng lóe lên một dấu hiệu là biết đâu, có thể sử dụng phương pháp trung hòa này, áp dụng được trên bệnh cúm A (H5N1).

Nghiên cứu mới có kết quả ra sao?

Nghiên cứu mới này vừa được đăng tải trên một tập san y khoa trực tuyến, Public Library of Science (PloS) (Medicine) có tiêu đề: "Hiệu quả điều trị và phòng ngừa của kháng thể đơn dòng ở người đối với vi-rút cúm H5N1" của một nhóm tác giả kết hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu y học lâm sàng của Viện đại học Oxford - Bệnh viện Y học nhiệt đới TP.HCM, Viện Nghiên cứu y sinh Bellizona, Thụy Sĩ và Phòng Thí nghiệm bệnh truyền nhiễm của Viện Quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dị ứng, Bethesda, Maryland, Mỹ.

Cách tiến hành: các tác giả sử dụng 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân đã được chẩn đoán bị nhiễm H5N1 (tại Bệnh viện Y học nhiệt đới TP.HCM), sau đó dùng các biện pháp kỹ thuật để tách lấy kháng thể. Các kháng thể này được sàng lọc hiệu quả bằng cách cho tiếp xúc với mẫu các vi-rút H5N1 (được lưu trữ từ các chủng phân lập được ở Hồng Kông và Việt Nam từ 1997-2005). Một trong số các kháng thể đó đã có thể trung hòa được với dòng H5N1 chính là loại mà các bệnh nhân cho máu đó đã bị nhiễm.

Trong ống nghiệm, loại kháng thể này có thể trung hòa được vi-rút H5N1 tương đối gần (nên hiểu là chìa khớp với khóa, hay tương đối đặc hiệu, nên gọi là kháng thể đơn dòng) và lại có tác dụng chéo đối với một dòng H5N1 khác (cũng gây bệnh cho người).

Tiến hành nghiên cứu trên chuột thực nghiệm (mỗi lô 4-8 con chuột, không nêu cụ thể bao nhiêu lô), các tác giả nhận thấy một số các kháng thể có tác dụng bảo vệ chuột thông qua các hoạt động: làm giảm khả năng tăng sinh vi-rút trong chuột, giảm hoạt động hủy hoại của vi-rút trong phổi, và ngăn cản sự lan tỏa của vi-rút trong phổi.

Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu lạc quan cho thấy kết quả này có thể ứng dụng trong điều trị bệnh cho người, nhất là khi có đại dịch và hiệu quả điều trị đạt được khi cần phải dùng trước 72 giờ (sau nhiễm bệnh); hơn nữa kỹ thuật chế tạo kháng thể của nhóm nghiên cứu này là dễ dàng và nhanh.

Hy vọng với phương thức mới điều trị cúm A H5N1 ở người?

Tuy nhiên, như mọi nghiên cứu khoa học, nếu xếp loại giá trị nghiên cứu trong bậc thang giá trị thì nghiên cứu này chỉ mới ở bậc thấp của nghiên cứu dịch tễ lâm sàng, có nghĩa là chỉ mới trong phòng thí nghiệm. Hay cụ thể hơn, nghiên cứu này là một tiền đề, một cuộc thực tập dọn đường để có hướng nghiên cứu trên người, mà trước hết là nghiên cứu trên tế bào, mô người biệt lập. Còn hiệu quả để có thể chế tạo và sử dụng có hiệu quả trên người được hay không là chưa thể biết, và để có câu trả lời cần phải có một thời gian rất dài nữa.

Lý do thứ nhất, hiện nay bệnh cúm gia cầm A (H5N1) ở người vẫn là lẻ tẻ và rải rác, mặc dầu tỷ lệ tử vong cao. Lý do thứ hai quan trọng hơn là về mặt nguyên lý, vi-rút cúm A là không đặc hiệu và không ổn định về cấu trúc kháng nguyên. Rồi đến bước vi-rút H5N1 có thể lây lan giữa người và người thì cấu trúc của nó có như hiện nay không? Hẳn là không, nhưng như thế nào chúng ta cũng chưa biết. Một lý do khác không thiếu phần quan trọng nữa là hiệu quả điều trị của việc sử dụng kháng thể từ trước đến nay thường chỉ đạt được trong giai đoạn còn ủ bệnh, và mầm bệnh còn lưu hành trong máu, chưa đến giai đoạn xâm nhập vào tế bào và tăng sinh.

Cũng như các tác giả nhận định là cần phải dùng sớm trước 72 giờ sau khi nhiễm. Đối với cúm thì việc phát hiện được thời gian nhiễm bệnh có lẽ là chuyện không tưởng, và nếu có thì bệnh nhân đến được với bác sĩ cũng đã muộn hơn. Họa may chỉ có thể nghi ngờ sớm khi đã có... dịch. Đối với các bệnh khác như chó dại cắn hoặc giẫm phải đinh gai, chúng ta mới có thể dễ dàng xác định được thời gian phơi nhiễm rõ ràng và chính xác.

Đó mới chỉ là các điểm về mặt nguyên lý, còn về mặt kỹ thuật và quan trọng nhất là đáp ứng của cơ thể bệnh nhân đối với việc sử dụng kháng thể điều trị như thế nào, mới là mấu chốt.

Để có được có câu trả lời đó, đường đi từ nghiên cứu tiền trạm này đến đích còn khá xa, chúng ta chờ và hy vọng bước đi tiếp theo của các nhà khoa học.

Nguyễn Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.