Đá và máu - Kỳ 1: Bốc đá mưu sinh

07/03/2009 16:43 GMT+7

Treo mình giữa vách đá cheo leo cao cả trăm mét, hì hục bốc đá với đầu trần, chân đất. Lơ lửng trên đầu là những chiếc bẫy đá hàng trăm khối có thể đổ xuống đè bẹp bất cứ lúc nào.

Nhiều máu đã đổ trên bãi đá, nhiều gia đình đã mất người thân vì đá, nhiều người phải sống trong cảnh tàn phế suốt cả cuộc đời vì những vụ sập hầm đá... Vì cuộc mưu sinh, những người bốc vác đá đang vắt kiệt sức mình với những khối đá vô tình.

Tôi đi vào mỏ đá ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trên con đường dày đặc ổ voi, ổ trâu do bị xe cày xới nát bét. Chốc chốc có chiếc xe tải chở đá từ mỏ chạy ra phả bụi mịt mù. Hai bên đường rải rác những ngôi mộ của người làm đá bỏ xác tại công trường được đắp bằng đá núi, có ngôi mộ đá còn mới nhưng nhiều ngôi rêu đã mọc xanh rờn.

Đội quân bốc đá

Tiếng động cơ ầm ầm, những cột bụi đá trắng xóa cao ngợp trời, hàng trăm con người hì hục dưới một đống đổ nát, phía trên là những khối núi sừng sững, loang lổ. Nhìn kỹ hơn có những người đang treo mình trên những vách đá cheo leo cao hàng chục, có khi cả trăm mét. Từ dưới nhìn lên trông họ nhỏ bé như những con thạch sùng bám trên những thân cây cao vút.

Có khoảng 30 phụ nữ làm nghề bốc vác đá như thế đang co ro, nép mình trong những hốc đá trú lạnh. Nghe tôi nói muốn xin làm “phu đá”, một phụ nữ lớn tuổi chặc lưỡi: “Làm cái nghề vừa khổ nhọc, đau thân, đau xác mà tiền công lại rẻ mạt này làm chi chú ơi”. Rồi nhiều người khác cũng lao xao nói theo.

 

Hai người thợ đang khoan đá trên vách đá cheo leo - Ảnh: Đình Dân

Một phụ nữ chỉ vào tảng đá xanh nặng chừng 50kg, lên tiếng: “Nếu chú không sợ máu có thể chảy đỏ tay mỗi ngày thì cứ vào làm. Nhưng trước tiên hãy thử nhấc tảng đá kia lên vai xem có nổi không đã thì hãy làm, còn không về xứ khác kiếm việc nhẹ hơn mà làm”.

Một phụ nữ khác có thân hình nhỏ bé chắc chỉ nặng độ chừng 40kg, nhấc bổng hòn đá lên vai rồi thả phịch xuống trong chớp mắt và nói: “Đấy, tôi làm mẫu cho, đơn giản vậy thôi làm thử đi”. Phải ì ạch mãi đến lần thứ tư tôi mới nhấc nổi tảng đá lên qua ngực. Bài học đầu tiên “nhập nghề” xem ra không đơn giản chút nào.

Ở mỏ đá có ba loại công việc. Một là bốc vác đá, hai là đập đá và tiếp đến là khoan đá để tra thuốc nổ. Khoan đá thì cần có kinh nghiệm và sự gan dạ vì phải treo mình trên vách đá cao vút. Đập đá thì phải có sức vóc. Công việc được xem nhẹ nhàng nhất ở đây là bốc vác đá và công việc này phần lớn do phụ nữ đảm nhận. Do là “lính mới” nên tôi được xếp vào nhóm “phu” vác đá.

Đúng như lời dặn của những người làm cùng nhóm, “hễ cứ nghe tiếng xe tải rú còi là đi làm chứ không kể giờ giấc”. Mới 5g sáng, trời còn tờ mờ trong sương, tiếng còi xe chở đá cất lên inh ỏi, một ngày vất vả của những người lao động ở bãi đá bắt đầu. Sáng nay xe về nhiều nên cả nhóm bốc đá hối hả vì công việc. Đợt đầu có khoảng năm xe ben, loại xe có thùng năm khối vào nhận đá.

Đội quân bốc đá chia đều ra ở năm xe, rồi xếp thành từng “dây chuyền” và bắt đầu công việc. Tôi được phân công nhiệm vụ cùng với một phụ nữ tên Hương nhận đá ném vào thùng xe. Cả nhóm bốc đá toàn là phụ nữ, chỉ có tôi và một anh nữa là đàn ông. Những tảng đá nhỏ thì hai ba chục ký, lớn thì năm sáu chục ký lần lượt bay lên thùng xe từ đôi tay của những người phụ nữ nhỏ bé, gầy guộc.

 

 Những đôi bao tay bị đá cắt rách nát là dụng cụ bảo hộ duy nhất của người bốc đá - Ảnh: Đ.Dân

Tiền công ngậm ngùi

Bốc đá cạnh tôi là bà Nguyễn Thị Châu - người đã bốc vác gần chục năm. Cũng như những chị em ở đây, dụng cụ bảo hộ lao động duy nhất của bà chỉ là chiếc găng tay đã bị chặt chém rách tơi bời bởi những cạnh đá sắc nhọn. Gần chục năm theo nghề, công việc khắc nghiệt này đã khiến thân thể của bà không còn nguyên vẹn: một lần chân trái bị máy xay đá đập, đi lại rất khó khăn. Lần khác, chân phải của bà lại bị một tảng đá rơi xuống cắt đứt gân, vết cắt sâu bởi tảng đá sắc nhọn khiến bà phải khâu mười mũi. Còn sống lưng sau những lần nhấc những tảng đá hàng chục ký nay hành hạ bà với những cơn đau nhức hằng ngày.

Nhưng bà vẫn bám trụ với nghề để kiếm sống qua ngày. Cả hai người con gái của bà chỉ được học đến lớp 7 rồi phải bỏ học đi bốc đá như mẹ. “Nhìn hai đứa con bỏ học, lầm lũi theo tôi làm cái nghề vắt xác này tôi xót lòng lắm. Nhưng biết làm sao được khi không có ăn thì lấy cái gì mà học” - bà Châu nói. Chồng mất sớm, bươn chải nuôi hai con cũng không nổi, hoàn cảnh khiến người mẹ nghèo này đau khổ vô vàn.

Lúc này số lượng đá vào xe được gần 1/4, hai bàn tay tôi bắt đầu tóe máu bởi những vết đá cắt. Thời tiết rét lạnh 12-13OC mà người tôi nóng ran, mồ hôi bắt đầu thấm rịn ra chiếc áo len mỏng. Vì thành xe cao mà tảng đá nặng quá khiến cả tôi và bà Hương đều mất lực nên đá rơi xuống không đỡ nổi, may cả mấy lần đều né kịp. Bên cạnh, những người phụ nữ nhỏ bé vẫn làm việc hùng hục, thoảng chốc có tiếng ho bật lên trong làn bụi đá dày đặc.

Xung quanh, những người đàn ông huỳnh huỵch quai búa vào những tảng đá to như cái bàn, cái tủ. Chốc chốc mẻ đá bay vào mắt, họ lại ngơi tay dụi mắt. Phía trên các thợ khoan vẫn đu mình như biểu diễn xiếc. Có lúc họ sơ ý cạy những tảng đá lớn trên vách núi xuống đổ sầm ngay bên cạnh những phụ nữ đang lúi húi bốc đá khiến họ vùng chạy tán loạn. “Cái này là chuyện thường ở đây mà. Do mấy người khoan đá sơ ý thôi, chứ đáng ra trước khi cạy các tảng đá họ phải kêu vọng xuống để mọi người cùng né ra xa” - người phụ nữ tên Phương cùng nhóm cho biết.

Sau gần ba giờ làm cật lực, năm xe đá đã chất cao có ngọn. Mọi người phủi tay xúm lại nhận tiền. Tiền công được tính như sau: một khối đá bốc lên xe được trả 12.000 đồng. Đợt đầu tiên chúng tôi bốc 25 khối, được trả 300.000 đồng. Cả nhóm có gần 30 người nên mỗi người chỉ nhận được hơn 10.000 đồng.

Nhưng gương mặt người nào cũng rạng rỡ, đếm đi đếm lại những đồng tiền lẻ nhăn nhúm. “Được thế này là may mắn lắm rồi chứ có ngày người đông, xe ít nên mỗi người chỉ được dăm ba nghìn đồng thôi” - một bà nói. Tính ra cả ngày quần quật, nếu có việc đều đội quân “phu” đá chỉ kiếm được cao nhất 30.000-40.000 đồng. Cầm mấy đồng bạc lẻ trong bàn tay đang chảy máu vì đá cắt và mấy lần hú hồn bị đá đè mà tôi không khỏi ngậm ngùi.

Theo Đình Dân / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.