Có chỗ tuột cả mảng lớn xuống chân núi, chỗ khác các khối đá nửa rơi nửa kẹt lại trên vách núi dựng đứng. Và đó là thử thách đối với các thợ khoan, cũng là những cái bẫy chết người đối với người bốc vác đá.
Treo mình trên vách đá
Hai người thợ khoan thâm niên tên Đại và Đồng thoăn thoắt đu mình bám vào các vách đá tiến lên những tảng đá “cứng đầu”. Dụng cụ bảo hộ duy nhất mà hai người có là một sợi dây thừng to bằng ngón chân cái. Nhiệm vụ của họ trên vách đá cheo leo là đẩy những tảng đá còn bám trên vách núi. Đó là công tác “dọn đường” để khoan những mẻ khoan mới.
Thợ khoan là công việc nguy hiểm nhất ở mỏ đá. Hằng ngày, những thợ khoan như ông Đại, ông Đồng phải treo mình trên các vách đá cao để thực hiện những lỗ khoan và tra thuốc nổ. Tùy theo độ dày mỏng của từng mỏm đá mà quyết định độ nông sâu của lỗ khoan, thường mỗi lỗ khoan có độ sâu 3-4m được tra chừng 1,2kg thuốc nổ. Bình quân mỗi tháng thợ khoan đá có khoảng 20 ngày treo mình trên vách đá, thời gian còn lại là khoan những tảng đá lăn xuống chân núi. Mỗi lần treo mình lên khoan họ được trả công cao nhất là 100.000 đồng.
Khối đá “cứng đầu” thứ nhất đã được ông Đại và ông Đồng tiếp cận. Lúc này hai ông mới chịu buộc sợi dây thừng vào ngang vai và bụng, tìm cho mình một thế đứng và bắt đầu dùng xà beng cạy cho khối đá tuột hẳn xuống. “Bên này ra được 2/3 rồi”, ông Đồng báo hiệu cho đồng nghiệp của mình. Bỗng “phựt”, sợi dây của ông Đồng căng cứng, chiếc xà beng của ông bị trượt khỏi tảng đá lao vút như một cây chông cắm thẳng vào một vách đá bên dưới. Cú hất khiến ông mất thăng bằng rơi khỏi chỗ đứng treo lơ lửng giữa vách đá. Một vài khối đá đổ nhào xuống chân núi vọng lại những tiếng cồng cộc. Ông Đồng hú hồn đu người quay vào chỗ đứng, rồi trấn tĩnh bằng câu chửi thề: “Mẹ cha nó, lấy mạng tao không dễ đâu!”.
Hai thợ khoan vẫn ra sức cạy đá, từng khối đá cuối cùng lao xuống chân núi ào ào như thác đổ. Những người đập đá, vác đá dưới chân núi thỉnh thoảng lại trông lên “để biết đường mà né, mà chạy”. Thế nhưng, cũng có những người chưa kịp ngẩng lên đã bị vùi trong đá. Một trong số những người như thế nhưng may mắn sống sót là bà Phạm Thị Cẩm ở xóm 5, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bà Cẩm kể lại: “Lúc đó tôi đang lom khom cào đá dưới chân núi thì một mảng đá lớn khoảng 3-4 xe công nông ào xuống khiến tôi chạy không kịp”. “Bà ấy bị vùi lấp trong đống đất đá, moi được bà lên từ đống đá thì bà vẫn còn thở nhưng đôi chân đã bị đá đè giập nát, còn đầu thì bị lõm một khoảng” - ông Lạc, chồng bà Cẩm, nhớ lại.
Từ ngày bị tai nạn, gia đình nghèo này đã bán tất cả những gì có thể bán được trong nhà để chạy chữa cho bà. Thế nhưng sau bảy lần đi bệnh viện ở Hà Tĩnh, ba lần đi bệnh viện ở Hà Nội, đôi chân của bà vẫn không cứu được. “Mỗi ngày đi bốc đá bà Cẩm chỉ kiếm được khoảng 30.000 đồng. Cũng vì kiếm số tiền ít ỏi đó mà bà đã phải đánh đổi cả cuộc đời làm người tàn phế. Phận phu đá chúng tôi, chuyện sống chết mong manh lắm”, một người thợ đá than thở.
|
“Cửa ải” dựng đứng
Nếu “công nghệ” khai thác ở mỏ đá này khiến những người chứng kiến lạnh cả người thì một mỏ đá khác ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cũng kinh hoàng không kém. Mỏ đá ở đây cao khoảng 100m, bốn bề là vách dựng đứng. Từ dưới chân núi phải chăm chú nhìn một hồi lâu và nghe theo tiếng máy khoan mới có thể thấy được hai người thợ khoan đang lơ lửng phía trên. Nhìn lên cao tít trông họ như hai đứa trẻ. Tận mắt chứng kiến cảnh “phu” đá trèo lên vách núi mới hiểu được “đồng tiền xương máu” của đời phu đá.
Trước lúc theo chân đoàn thợ khoan thứ hai leo lên đỉnh núi, ông Hà Sơn, một thợ khoan đá, cảnh báo với tôi: “Quãng đường từ đây lên đỉnh phải mất gần 300m. Đường đi rất khó chỉ toàn là vách đá cheo leo, nhiều khúc dựng đứng như bức tường. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là rơi xuống vách đá mất mạng như chơi”. Quả như lời cảnh báo, đường lên đỉnh núi trải dưới chân là lớp lớp đá tai mèo có cạnh sắc như dao, nếu không quen thì chân sẽ bị đá cứa chảy máu. “Kệ cho nó chảy, chớ có cột mần chi. Thần núi đá muốn lấy gì của ai thì cứ để yên”, một thợ đá lớn tuổi cản khi tôi tính xé áo cột vết cắt đang chảy máu. Lúc này tôi mới hiểu vì sao trên hai bắp chân của nhiều người thợ ở đây toàn là những vết sẹo, trông như những vết chém ngang chém dọc.
Trong đoàn thợ leo lên vách núi, vai trò của người đi đầu vô cùng quan trọng. Họ phải quan sát tốt để xử lý những tảng đá sắp rơi, tránh đá lăn đè phải người đi sau mình. Vừa qua rạn đá tai mèo, đập vào mắt chúng tôi là một vách đá dựng đứng như một bức tường. “Một nửa vách đá này chúng ta bám vào sợi dây rừng kia mà lên, nửa còn lại cứ bám vào các mỏm đá mà leo. Vượt qua được khúc này đoạn đường khó mới bắt đầu thôi”, ông Hà Sơn nói. Lần lượt từng người bám vào dây rừng đâm từ trong vách đá ra, trườn lên vách núi chỉ với tay không, chân đi dép lê.
Ông Anh là người leo lên đầu tiên. Vừa đến đỉnh thứ nhất, người thợ đầy kinh nghiệm này thả một dây thòng lọng xuống để kéo những chiếc balô nặng 30-40kg của anh em lên. Mỗi thợ khoan khi lên núi phải cõng thêm chiếc balô nặng chứa 20-30kg thuốc nổ và đồ ăn thức uống vì sáng sớm họ lên đến chiều tối mới trở xuống.
Tôi ở trong tốp leo lên cuối cùng. Cố bám vào sợi dây rừng to bằng bắp tay trẻ con leo lên, sau mấy cú trượt chân trống ngực tôi đập thình thịch, mồ hôi túa ra chảy xuống những chỏm đá nhọn như chông. Qua “cửa ải” thứ nhất bằng sợi dây rừng, tiếp đến là phải bám vào từng mô, hốc đá mà leo lên vách đá dựng đứng. Vừa lên được chừng 2m thì tôi bị kẹt cứng giữa vách đá, nhìn xuống dưới là bãi đá tai mèo tua tủa như bãi chông, nhìn lên trên vách đá vẫn còn cao vút. Một thoáng nghĩ quẩn khiến tôi như nghẹt thở.
Trên vách cao ông Hà Sơn nói vọng xuống: “Bám vào các mẩu đá mà quay trở lại sợi dây đi, bình tĩnh vào, chuyện thường ấy mà”. Nhìn lên trên, đoàn thợ đá đã bắt đầu treo mình vào các vách đá. Những người thợ này rất liều lĩnh, họ không buộc dây an toàn vào người vì sợ vướng víu mà chỉ nắm sợi dây thừng vào tay rồi hì hục với công việc. Trên đầu họ, những con chim ó nghe động chui ra khỏi vách đá bay lượn lờ…
Theo Đình Dân / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)