Đặc cách làm khó

17/12/2014 03:00 GMT+7

'Tái bổ nhiệm giám đốc đến tuổi nghỉ hưu vì Bệnh viện Sản - Nhi đang xây dựng'. Đó là một tin khó... nghĩ không chỉ với các cơ quan chức năng, mà còn với những người tới tuổi về hưu.

“Tái bổ nhiệm giám đốc đến tuổi nghỉ hưu vì Bệnh viện Sản - Nhi đang xây dựng”. Đó là một tin khó... nghĩ không chỉ với các cơ quan chức năng, mà còn với những người tới tuổi về hưu.

Lâu nay, có những quan chức sắp tới tuổi về hưu, trong đó có quan chức nữ, cứ hồi hộp dõi theo từng kỳ họp Quốc hội, chỉ với “ước mơ nho nhỏ” là Quốc hội tán thành tăng tuổi nghỉ hưu. Tôi vẫn nói đùa, bây giờ chị em còn nhiệt huyết phục vụ xã hội hơn cả anh em nữa! Trong khi chị em, và cả anh em công chức, viên chức ở châu Âu đang biểu tình chống luật tăng tuổi nghỉ hưu, vì với họ, ở độ tuổi trên 60, thậm chí trên 65 mà phải đi làm thì quá mệt. Họ cần thời gian nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, đi du lịch, quan tâm tới gia đình con cháu.
Còn ở VN hiện nay, phải nói thật, thành phần công nhân, viên chức, công chức (đặc biệt là phụ nữ) không có chức quyền đều muốn được nghỉ hưu đúng tuổi như luật hiện hành quy định. Với mức lương thấp, thu nhập thêm chẳng đáng là bao, thì nghỉ hưu lại là cơ hội cho nhiều người trong biên chế nhưng không phải quan chức có thời gian tranh thủ làm (thuê) thêm để có được những đồng tiền ít ỏi nhưng chính đáng.
Tóm lại, những người tha thiết nhất muốn kéo dài thời gian “hy sinh và phục vụ” hầu hết là những người đang giữ chức vụ, và đang “sống tốt” nhờ chức vụ. Dường như Quốc hội cũng thấu hiểu điều này nên kiên quyết bác dự án tăng tuổi làm việc cho cán bộ nữ, thì không có lý do gì một địa phương nào đó lại “xé rào” với lý do cần giữ nữ giám đốc vì “Bệnh viện Sản -Nhi đang xây dựng.”
Rất có thể, người được đặc cách tăng tuổi giữ chức vụ giám đốc thêm 3 năm nữa là người có năng lực, nhưng việc tái bổ nhiệm sai quy định ấy kéo theo một tiền lệ rất khó xử cho Chính phủ. Bởi thực tế, có quan chức nào mà tự nhận mình thiếu năng lực và yếu sức khỏe đâu! Tất cả đều “mạnh như hổ”, và thừa năng lực “phục vụ” thêm nhiều năm nữa. Mà như thế, thì quyết định của Quốc hội không xét tăng thêm tuổi làm việc, nhất là cho nữ giới, là một quyết định không được chấp hành.
Chỉ cần một trường hợp đặc cách “qua truông”, lập tức sẽ có rất nhiều trường hợp khác trong cả nước yêu cầu được đặc cách, và nếu là ở cấp sở thì xin lên cấp bộ, còn ở cấp bộ thì chạy thẳng tới Chính phủ. Kiểu này thì không chỉ Bộ Nội vụ, vốn đã rất loay hoay vì nhiều chuyện, giờ lại phải giải quyết thêm việc “ngoài luồng” không có trong quy định, mà nhiều bộ ngành hay các cơ quan khác cũng sẽ ê ẩm vì những bức “tâm thư” xin nguyện được phục vụ nhiều năm sau tuổi nghỉ hưu của nhiều quan chức “U.60” hay “U.55”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.