Đặc nhiệm “lính xuồng” đại dương

03/03/2010 11:40 GMT+7

Như một chiếc lá nhỏ giữa sóng gió, nhưng những chiếc xuồng là cầu nối chính để đưa người và hàng từ tàu vào đảo hay lên nhà giàn giữa trùng khơi. Điều khiển chúng là những thủy thủ cực kỳ lão luyện về tay nghề, kinh nghiệm chinh phục sóng dữ...

Một ấn tượng thót tim trong lần chúng tôi đi cùng tàu HQ 609 ra thăm các nhà giàn DK1 những ngày đầu năm là khi mọi người đang từ tàu xuống xuồng trong lúc biển động, đột ngột một con sóng đánh cao bất thường khiến mạn xuồng bị vướng vào chiếc thang dây đang treo trên thành tàu và mắc kẹt luôn.

Chỉ nghe một tiếng “rắc” khô khốc rồi chiếc xuồng nghiêng hẳn 90 độ và bị móc luôn vào thành tàu. Lúc này trên xuồng có sáu người, tất cả đều lặng đi. Hai người ngã dúi dụi chực rơi xuống nước. Nhưng nhóm thủy thủ điều khiển xuồng vẫn thật bình tĩnh...

Không cần áo phao

Dây mũi xuồng vẫn giữ an toàn. Ngay khi nhịp sóng dâng lên lần nữa, thượng úy Hoàng Xuân Đoàn nhanh tay gỡ thang ra khỏi xuồng trong nháy mắt. Xuồng lại nương theo sóng hạ xuống mặt nước như bình thường dù thang đã bị gãy. Tất cả diễn ra rất nhanh như một đoạn phim hành động cực kỳ gay cấn và mọi người thở phào nhẹ nhõm...

“Có gì đâu, chỉ cần bình tĩnh một chút là xử lý được ngay” - thiếu úy Trịnh Xuân Thiệm nói như thế. Tổ đặc nhiệm “lính xuồng” của tàu HQ 609 lần này gồm ba người: thuyền phó Hoàng Xuân Đoàn kiêm phụ trách xuồng, Trịnh Xuân Thiệm chuyên điều khiển dây mũi và đại úy Phạm Viết Quý lái xuồng.

Sóng to nên mỗi lần lên xuống xuồng từ tàu hay nhà giàn đều phải hết sức cẩn thận, nếu không xuồng sẽ đập gãy cả chân tay và nguy hiểm hơn là rơi xuống biển. Nhưng nhờ có tổ xuồng mà mọi việc đều an toàn. Máy và dây giữ cho xuồng chạy hoặc dừng lại theo ý muốn.

Trong khi tất cả đều mặc áo phao sặc sỡ thì nhóm đặc nhiệm điều khiển xuồng chỉ mặc đồng phục đơn giản như công nhân, đội thêm mũ cối hoặc mũ vải tránh nắng. Thượng úy Đoàn giải thích: “Mặc áo phao rất vướng, khó làm việc”.

Thế nếu lỡ các anh bị rơi xuống biển lúc sóng đánh mạnh? “Thì chúng tôi lại bơi và trèo lên xuồng!”, người thuyền phó cười nhẹ nhàng.

Ra Trường Sa hay các nhà giàn DK1 vào mùa biển động, với dân đất liền, ớn nhất là những lúc lên xuống xuồng.

Lần chúng tôi đu dây từ độ cao khoảng 15m ở nhà giàn DK1-12 xuống xuồng cũng là một ấn tượng khó quên. Sóng to nên xuồng không cập vào chân cầu thang nhà giàn được, từng người phải trèo qua lan can trên lầu rồi ngồi lên một thanh gỗ và thả người xuống.

Vì sóng đánh mạnh, chiếc xuồng chao đảo chồm lên hụp xuống chực lao mũi vào trụ giàn hoặc chui tọt vào trong gầm giàn. Còn sợi dây đu dù có người giữ ở trên và néo ở dưới vẫn lắc rất mạnh.

Nhưng những người lính xuồng vẫn điềm nhiên: thiếu úy Thiệm điều khiển dây nhịp nhàng trong khi thượng úy Đoàn ra lệnh lúc nào thì cho dây đu lên xuống và anh cũng làm luôn việc đỡ người đu dây “hạ cánh” an toàn xuống xuồng.

Có lúc sóng to quá xuồng phải ra vào mấy nhịp dây đu mới xuống được. Và trong lúc mọi người khá căng thẳng nhìn những xoáy nước cuồn cuộn dưới chân nhà giàn thì đại úy Quý mặt cứ tỉnh bơ như không, điều khiển cần số không phải bằng tay mà bằng... bàn chân trái, cứ như người lái đò đang đưa khách qua một dòng sông phẳng lặng.

Niềm tự hào của con tàu

Trong chuyến đi thăm nhà giàn DK1 của tàu HQ 609, mặc dù biển động mạnh nhưng mọi người cũng lên đến được 13/14 nhà giàn an toàn tuyệt đối nhờ sự khéo léo của tổ xuồng. Tàu neo cách nhà giàn chừng 1km và cứ mỗi lần lên xuống như vậy tổ xuồng phải làm việc căng thẳng, vất vả nhất.

Cánh thủy thủ thường là dân “ăn sóng, nói gió”, nhưng riêng nhóm đặc nhiệm lính xuồng lại là những người ít nói nhất. Tất cả tập trung vào sự quan sát phán đoán tình huống và đôi tay thao tác của họ.

Trong lúc điều khiển xuồng, đại úy Quý và thiếu úy Thiệm hầu như không nói câu nào. Còn với thượng úy Đoàn chỉ là những mệnh lệnh ngắn gọn, dứt khoát: “Nhảy lên!”, “Nhảy xuống!”, “Thả ra!”, “Bám vào!”. Người lên - xuống xuồng cứ thế mà làm thì mọi việc sẽ đâu vào đấy.

Đại úy Phạm Viết Quý, quê ở Hà Tĩnh, 45 tuổi, đi nghĩa vụ quân sự rồi tình nguyện ở lại lực lượng hải quân, từng chinh chiến ở vùng nước này lúc mới xây nhà giàn. Anh từng cùng đồng đội đuổi các tàu, xuồng lạ chuyên vào thám thính việc xây dựng nhà giàn những ngày đó.

Thiếu úy Trịnh Xuân Thiệm vào nghề từ năm 1997, đã mấy năm chạy xuồng ở Trường Sa. Anh và thuyền phó Hoàng Xuân Đoàn cùng quê Quảng Bình.

Thuyền trưởng HQ 609 - đại úy Nguyễn Văn Dũng rất tự hào về tổ xuồng của mình: “Nhóm này của tôi là những người kỳ cựu nhất. Họ có kinh nghiệm gối sóng, gối gió, nhìn luồng nước để tìm hướng đi có lợi nhất. Xuồng làm nhiệm vụ chuyển tải người và hàng, cứu sinh, đuổi bắt tàu lạ xâm nhập trái phép, khảo sát luồng nước... nên trách nhiệm của họ rất nặng nề. Vì vậy dứt khoát tổ xuồng phải do một thuyền phó phụ trách. Tất cả phải tuyệt đối kỷ luật và phối hợp nhịp nhàng. Như người điều khiển dây mũi chẳng hạn, nếu không biết làm sẽ lật xuồng ngay”.

Thiếu úy Thiệm “khoe” mấy vết sẹo chi chít trên tay và chân. Tất cả đều do xuồng gây ra. “Có lần ở Trường Sa xuồng chúng tôi bị sóng đánh úp nhưng may mắn lật lại được” - anh kể.

Những lúc sóng to, xuồng dập dềnh một chỗ còn khó chịu hơn xuồng đang chạy. Nhiều người trên tàu rất khỏe vậy mà xuống xuồng lắc là không thể chịu nổi. Nhưng với lính xuồng thì “đơn giản thôi mà!”.

Bí quyết gì khiến họ rèn luyện sức khỏe và sự chịu đựng dẻo dai như vậy?

Những người lính xuồng bật mí: thông thường cứ đi tàu ba giờ thì họ ngủ sáu giờ cho lại sức. Còn những lúc cấp bách thì làm việc vô chừng, nhưng phải cố gắng sắp xếp nghỉ ngơi hợp lý. Những lúc say sóng thì chịu khó đi lại cho thư thái chứ nằm nhiều sẽ đừ người ra.

“Rèn luyện bền bỉ rồi sẽ quen. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đặt an toàn tuyệt đối lên hàng đầu. Phải nhớ mình là cầu nối của những con tàu và các đảo, nhà giàn. Đó là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm vô cùng quan trọng” - thiếu úy Trịnh Xuân Thiệm bảo vậy.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.