(TNO) Phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng đặc nhiệm Nga (24.10.1950 - 24.10.2015), thiếu tướng Oleg Polguev, tư lệnh Biệt động dù của Nga đã đánh giá cao năng lực chiến đấu tay không của đặc nhiệm Nga.
Đặc nhiệm Nga được cho rất giỏi võ thuật - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Theo news.rambler.ru ngày 24.10, ông Polguev cho biết, hiện lực lượng đặc nhiệm của Nga và Mỹ được coi là lớn và mạnh nhất thế giới cả về quy mô lẫn hiệu quả tác chiến, nhưng riêng về chiến đấu tay không thì đặc nhiệm Nga vượt trội hơn cả.
Đặc nhiệm Nga được huấn luyện võ thuật với thời lượng nhiều hơn và cường độ cao hơn so với đồng nghiệp ở các nước khác, được học rất kỹ những thế võ hạ gục đối thủ trong nháy mắt hoặc khống chế bắt sống mà đối thủ không thể chống cự hoặc kêu cứu.
Ngoài ra, họ cũng phải thường xuyên tập luyện các môn võ đối kháng như quyền anh, judo, karate, taekwondo... để nâng cao thể lực và khả năng phản xạ.
Tướng Polguev cũng cho biết, công tác huấn luyện bộ đội đặc nhiệm ở Nga được thực hiện khắt khe, cứng rắn hơn rất nhiều so với các nước NATO. Không chỉ thế, đặc nhiệm Nga còn phải học sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí cá nhân của tất cả các nước khác sản xuất, phải biết điều khiển các loại phương tiện di chuyển như ô tô, xe bọc thép, thậm chí trực thăng. Đặc biệt, ngoài chiến thuật phối hợp đồng đội như ở các nước khác, đặc nhiệm Nga còn được huấn luyện chiến thuật chiến đấu đơn lẻ, kỹ năng tránh đạn, tránh vũ khí nguội, khả năng một mình tay không vô hiệu hóa nhiều địch thủ.
Tuy nhiên, tướng Polguev cũng đánh giá cao lực lượng đặc nhiệm của các nước NATO với trang thiết bị, vũ khí, phương tiện chuyên dụng hiện đại. Ông nhấn mạnh, đặc nhiệm các nước phương Tây vượt trội về năng lực trinh sát vì họ sở hữu những phương tiện do thám tối tân như robot, hệ thống định vị toàn cầu rất chính xác và gần đây họ cũng được học cách điều khiển các loại phương tiện di chuyển của Nga, kể cả các loại trực thăng chiến đấu.
Cách đây 65 năm, vào ngày 24.10.1950, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã ra quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm với 46 đơn vị cấp đại đội rải đều ở các quân khu. Lúc đó cũng chính là thời điểm quan hệ Xô - Mỹ bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ sau Thế chiến II.
Cho đến nay, đặc nhiệm Nga chỉ có một dịp thi thố tài năng ở nước ngoài, trong cuộc chiến Afghanistan hồi thập niên 1980. Trong cuộc chiến Syria hiện nay, Nga vẫn chưa quyết định can thiệp bằng bộ binh.
Bình luận (0)