Đặc phái viên Kerry: Việt Nam hứa hẹn là hình mẫu cho chuyển tiếp năng lượng sạch

26/02/2022 07:30 GMT+7

Ngày 25.2, ông John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực chuyển tiếp sang năng lượng sạch.

Đặc phái viên Kerry tự tin về năng lực của Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp sang năng lượng sạch

ngọc dương

Tại cuộc họp báo vào ngày làm việc cuối cùng tại TP.Hồ Chí Minh, ông Kerry tự tin về khả năng của Việt Nam trong việc theo đuổi cam kết tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông Kerry, Việt Nam sở hữu nguồn lực “được trời phú” liên quan đến năng lượng, từ điện gió, điện mặt trời cho đến thủy điện và khí đốt.

“Sự kết hợp này mang đến cho Việt Nam nền tảng năng lượng vô cùng sạch. Rõ ràng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng thay thế, từ đó tạo ra công ăn việc cùng lúc cắt giảm khí thải. Người dân Việt Nam cũng quan tâm về vấn đề này vì họ muốn có sức khỏe tốt, hít thở bầu không khí trong lành. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn Việt Nam là một phần trong hành trình hướng nền kinh tế mới được xây dựng bằng nguồn năng lượng sạch và cắt giảm ô nhiễm”, ông Kerry lưu ý.

Việt Nam có thể làm gì để vượt thách thức nhằm tiến tới phát thải ròng bằng 0?

Ông cho hay phía Mỹ chuẩn bị sẽ mang đến công nghệ, tài chính để hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp sang năng lượng sạch. Những cuộc gặp với giới lãnh đạo Việt Nam diễn ra vô cùng tốt đẹp, với những tín hiệu khả quan. Ông Kerry hy vọng sẽ sớm có công bố liên quan đến những kế hoạch mới liên quan đến hợp tác song phương để ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Kerry đến thăm Việt Nam từ ngày 22 - 25.2 nhằm nỗ lực xây dựng sự đồng thuận về những hành động then chốt để giải quyết khủng hoảng khí hậu

ngọc dương

Theo ông Kerry, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, mà cần phải có sự hợp lực của tất cả các nước trên thế giới.

“Trước thách thức hiện tại, chúng ta phải tăng tốc đủ nhanh. Thách thức lớn nhất là giảm phát thải ở tốc độ nhanh nhất có thể. Chúng tôi không nghi ngờ gì Việt Nam có thể làm được điều đó. Thế nhưng, chúng ta không thể tiếp tục xây dựng các nhà máy than đá, trong bối cảnh toàn thế giới đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào than đá”, ông Kerry nhấn mạnh.

Thách thức cho Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt nhiều thách thức khác nhau, đáng chú ý nhất là tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn gia tăng trong nội bộ đồng bằng, các đập thủy điện ảnh hưởng đến luồng chảy.

“ĐBSCL là kho lúa của cả khu vực nên chúng ta cần tìm cách ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu để bảo vệ đồng bằng này. Cùng với nhau, chúng ta sẽ có thể đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn, chẳng hạn nên đặt thủy điện ở nơi nào, nhằm duy trì dòng chảy của sông Mê Kông cho cả khu vực”, ông Kerry nói.

Đặc phái viên Kerry đến thăm Đại học Fulbright ở TP.HCM hôm 25.2

ngọc dương

Ông Kerry cũng tham gia khởi động Sáng kiến Hạ vùng Mê Kông, làm việc với nông dân ở khu vực, hỗ trợ họ nuôi tôm sạch và bền vững. Ông Kerry cho hay: “Chúng tôi hỗ trợ nguồn quỹ để thực hiện các chương trình như cung cấp kiến thức cho nông dân. Chúng tôi đang tham gia hỗ trợ các bạn tại đây và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó trong tương lai".

Bên cạnh đó, Mỹ phối hợp với các nước ở khu vực để cảnh báo những mối đe dọa từ đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông.

Ông Kerry đến thăm Việt Nam từ ngày 22 - 25.2 nhằm nỗ lực xây dựng sự đồng thuận về những hành động then chốt để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Trước khi quay lại Việt Nam trên vai trò Đặc phái viên của tổng thống, ông Kerry từng 4 lần thăm Việt Nam khi còn là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Vào ngày 20.1.2021, ông Kerry trở thành Đặc phái viên đầu tiên của tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ông cũng là thành viên đầu tiên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tập trung vào nỗ lực giải quyết thách thức liên quan đến mối đe dọa đến từ tình trạng ấm lên toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.