Chia sẻ với đài CNN ngày 21.6, người phát ngôn cho biết ông Carstens đã tới thủ đô Caracas để “thảo luận về cách đối đãi và sự bảo vệ đối với các công dân Mỹ bị giam giữ một cách sai trái ở Venezuela”.
Hiện Mỹ không còn quan hệ chính thức với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và không có nhân viên ngoại giao ở nước này, có nghĩa là việc tiếp cận công dân Mỹ ở đó là vô cùng hạn chế.
Có 4 người Mỹ được xác nhận đang bị giam giữ ở Venezuela. Tất cả đều đã bị giam giữ hơn 1 năm và gia đình ngày càng lo lắng cho người thân của họ.
Jeana Tillery, em gái của 1 trong 4 người Mỹ bị giam ở Venezuela, nói với CNN rằng anh trai cô cảm thấy rằng mình đã bị lãng quên. Cô cho biết anh trai cô mắc chứng rối loạn lưỡng cực và không được dùng thuốc thích hợp, đồng thời anh cũng bị chấn thương sọ não. Tillery nói với CNN rằng Mỹ đang "ký lệnh tử hình" bằng cách không đảm bảo sẽ giúp thả anh trai cô.
Trước đó, ông Carstens nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào cuối tháng 11 rằng các bên đã thảo luận về một số vấn đề liên quan tù nhân Mỹ ở Venezuela.
Vào tháng 3.2022, ông Carstens đưa 2 công dân Mỹ trở về từ Venezuela. Tuy nhiên, chuyến đi khác vào tháng 6.2022 đã kết thúc mà không có tù nhân nào được thả, theo tờ The Washington Post. Trong một cuộc trao đổi tù nhân vào đầu tháng 10.2022, Venezuela đã trả tự do cho 7 người Mỹ.
Lần gần nhất ông Carstens tới Venezuela là vào tháng 12.2022. Một quan chức của Washington cho biết chuyến đi đó tập trung vào theo dõi tình hình sức khỏe những người Mỹ vẫn bị giam giữ ở Venezuela.
Mặc dù chính quyền Washington phối hợp với chính quyền của ông Maduro về vấn đề trao đổi tù nhân, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục chính thức công nhận phe đối lập ở Venezuela.
Bình luận (0)