Đọt (ngọn) mây, lá nhíp vốn là nguyên liệu tất yếu để chế biến các món ăn trong bữa cơm hằng ngày của đồng bào S’tiêng tại Bình Phước. Với vị ngọt, đắng, bùi, béo lại giàu chất dinh dưỡng, 2 đặc sản của núi rừng đã nhanh chóng hút khách và trở thành món “hot” của các quán ăn, nhà hàng tại đây.
Đọt mây nướng
Trong bữa cơm xế chiều có đầy đủ thịt và cá, ông Điểu Mốt (ngụ thôn 6, xã Đắk Ơ, H.Bù Gia Mập, Bình Phước) mang ra một món thơm ngậy để đãi chúng tôi. Ông nói: “Chắc rằng món này các anh chưa từng thưởng thức. Đây là món đọt mây nướng dưới than củi hồng. Món của đồng bào chúng tôi vốn ưa dùng bấy lâu nay”.
|
|
Không kìm được cảm xúc khám phá, tôi xin phép dùng thử. Khi ăn đọt mây không thấy dai mà thơm giòn. Ăn xong, đọt mây đọng lại ở cổ họng vị the the đắng, ngọt bùi và mát. Chấm đọt mây với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc) có vắt chút nước chanh thì độ ngon tăng lên bất ngờ. Một hỗn hợp đắng, bùi, nhôn nhốt chua; cứ đượm giọng mãi, khiến tôi không cưỡng nổi nên phải gắp lần hai, lần ba...
Điểu Mốt ví von: “Món nướng ăn có vị đắng hơn xào, nhưng chính vì đắng mới cảm nhận được độ ngọt của đọt mây. Nếu ăn xong một đọt mây, húp thêm một muỗng canh thụt (hay còn gọi là canh bồi, canh đại ngàn) thì còn ngon hơn ăn một miếng thịt hùm (hổ)”. Điểu Mốt cười sảng khoái.
Theo đồng bào nơi đây, rừng ngày càng thu hẹp nên đọt mây ngày càng khan hiếm. Đọt mây mùa nào cũng có nhưng khó tìm hơn măng. Nó thuộc họ cau, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng chỉ có loại mây trắng là được ưa dùng. Cây mây thân dây, có khi dài hàng chục mét, trên đọt có chùm lá gai. Muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống để hái. Hái xong đọt, đồng bào thu luôn thân cây để làm lạt buộc.
Chủ tịch Hội đông y tỉnh Bình Phước Nguyễn Quốc Chính, cho biết: “Đọt mây rất tốt, được dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng…Chính vì thế, nó không còn là món ăn riêng của đồng bào, mà trở thành “món ngon của lạ” được nhiều người săn dùng. Tuy rằng một dĩa đọt mây nướng không phải rẻ, có giá từ 100-200.000 đồng”.
|
Lá nhíp xào
Tới Bình Phước, để mua lá nhíp dễ hơn mua đọt mây. Các phiên chợ huyện và dọc đường về buôn/sóc của đồng bào S’tiêng là địa điểm dễ tìm mua. Đồng bào thường lên rừng hái về để bán với giá 40-50.000 đồng/kg và đây cũng là một nghề mưu sinh của họ. Lá nhíp non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh. Khi nấu chín, lá có vị dẻo, ngọt và bùi. Không chỉ thơm ngon, lá nhíp còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khoẻ.
Chị Thị Dinh (xã Thiện Hưng, H.Bù Đốp), một người hành nghề hái lá nhíp, cho biết: “Nếu thiếu lá nhíp thì món canh thụt sẽ mất đi vị ngon, vì nó là nguyên liệu chủ lực của loại canh này. Ngoài dùng để nấu canh thụt, bây giờ lá nhíp còn được các quán ăn, nhà hàng biến chế thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Lá nhíp xào với thịt bò, lòng gà, nấu lẩu, nấu canh với cá, tôm…”. Chị Thị Dinh cho biết thêm: “Lá nhíp là một trong những món ăn khoái khẩu của tê giác. Trước kia khi vào rừng, nếu phát hiện có tê giác thì ở đó sẽ có nhiều lá nhíp. Bây giờ tê giác đã vắng bóng, người hái lá nhíp cũng nhiều hơn, nên mỗi ngày tôi chỉ hái được khoảng 2-3 kg. Lá nhíp có giá, hái bao nhiêu cũng có người mua, nên đôi khi gia đình tôi không dám dùng mà để dành đem bán lấy tiền”.
NV
Bình luận (0)