Việc Trung Quốc cử hàng loạt đặc vụ ngầm truy lùng những kẻ đào tẩu lánh nạn trên đất Mỹ đang gây ra căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.
Hai anh em Lệnh Kế Hoạch (phải) - Lệnh Hoàn Thành - Ảnh: SCMP
|
Vào một buổi trưa tháng 6.2015, Tommy Yuan đang chuẩn bị bài vở trước giờ lên lớp dạy toán ở Irving, bang Texas (Mỹ), thì tình cờ thấy 2 người đàn ông lạ mặt đi lẫn trong đám đông phụ huynh học sinh trước khi nhanh chóng biến mất. Khi quay lại sau đó, họ tự xưng là người của chính phủ Trung Quốc, dọa rằng nếu ông Yuan muốn vợ cũ được an toàn thì phải hợp tác và cung cấp thông tin về một người tên Lệnh Hoàn Thành, em trai của ông Lệnh Kế Hoạch - cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo tờ The Wall Street Journal (WSJ).
Nhân vật nhạy cảm
Ông Lệnh Kế Hoạch đã bị điều tra trong nội bộ đảng vào tháng 12 và hiện chính thức bị kết tội nhận hối lộ, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân và đánh cắp bí mật quốc gia. Còn doanh nhân Lệnh Hoàn Thành đã dùng tên khác lẩn trốn tại Mỹ và sống cùng với vợ cũ của ông Yuan tại Loomis, bang California. Thế nhưng hàng xóm cho hay không hề thấy hai người xuất hiện kể từ tháng 10 năm ngoái. Hiện ông Lệnh Hoàn Thành đang bị chính quyền Bắc Kinh truy lùng do nghi ngờ ông này thông qua người anh có thể đã nắm thông tin nhạy cảm về các nhà lãnh đạo then chốt của Trung Quốc, theo WSJ dẫn nguồn tin ngoại giao và giới phân tích.
Vẫn chưa rõ lý do ông Lệnh Hoàn Thành, 55 tuổi, chuyển đến sống tại Mỹ vào năm 2013 hoặc 2014. Tại Loomis, ông Lệnh (em) và vợ cũ của ông Yuan sử dụng tên Jason và Jane Wang. Hàng xóm của hai người là bà Sarah Matteson cho hay vẫn thường nói chuyện qua điện thoại với ông Lệnh cho đến tháng 5 năm nay, sau đó đã không thấy họ.
Cách đây khoảng 3 - 4 tháng, bà Matteson kể lại rằng có người tự xưng là đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) đến tìm ông Lệnh tại tư gia ở Loomis, trong khi một vài đặc vụ khác tìm vợ cũ ông Yuan tại nhà cũ của bà này ở Plano, bang Texas, hồi tháng 6. Phía DHS từ chối nhận xét về trường hợp trên, cũng như không trả lời câu hỏi của báo giới về việc ông Lệnh đã nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Mỹ hay chưa.
Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng từ chối xác nhận, trong khi WSJ dẫn lời một số quan chức cấp cao tại Washington cho hay ông Lệnh đã tiếp xúc với chính quyền Mỹ. Khả năng ông Lệnh nộp đơn xin tị nạn được đánh giá có thể gây tổn thất cực kỳ nghiêm trọng cho chính quyền Trung Quốc.
Căn nhà mà Lệnh Hoàn Thành từng trú ngụ ở bang California
|
Chiến dịch Săn cáo
Chưa xác định được Trung Quốc có thông báo với Bộ Tư pháp Mỹ khi lần theo dấu vết của ông Lệnh và những người khác trên đất Mỹ hay không. Tuy nhiên, tờ The New York Times (NYT) vào chiều 16.8 cho hay Mỹ - Trung đang căng thẳng về việc Bộ Công an Trung Quốc tự tiện cử đặc vụ ngầm đến Mỹ truy lùng những kẻ đào tẩu mà không đếm xỉa gì đến các quy định của nước sở tại.
Trong một diễn biến mới nhất, chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa cảnh cáo Bắc Kinh về hoạt động ép buộc hồi hương một cách bí mật những nhân vật đào tẩu đang lẩn trốn trên đất Mỹ. Các hoạt động gián điệp là chuyện thường ngày giữa các quốc gia, nhưng NYT dẫn nguồn từ Washington cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đang bày tỏ quan ngại về những đặc vụ ngầm mà Trung Quốc bí mật vào Mỹ thông qua con đường du lịch hoặc thương mại.
Hoạt động của các đặc vụ trên là một phần của chiến dịch “Săn cáo”, chỉ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cưỡng bách hồi hương và thu hồi tài sản phi pháp tại nước ngoài của những người bị cáo buộc tham nhũng. Theo NYT, danh sách truy nã của Bộ Công an Trung Quốc toàn là những nhân vật có tên tuổi trong các vụ án kinh tế lẫn chính trị. Vào tháng trước, bộ này cho hay đã cho hồi hương 930 nghi can, bao gồm 70 người tự nguyện về nước. Một báo cáo được đăng tải trên website của Bộ Công an Trung Quốc vào năm ngoái từng khoe rằng các đặc vụ được huấn luyện thuần thục của họ có thể bắt giữ nghi can ở bất kỳ nơi nào trên thế giới “trong vòng 49 giờ” kể từ khi triển khai.
Vẫn chưa rõ những biện pháp được đặc vụ Trung Quốc áp dụng để buộc các nghi can về nước, nhưng theo tờ NYT dẫn các nguồn thạo tin, các chiêu thường dùng bao gồm đủ loại quấy rối và kèm theo cả đe dọa sử dụng vũ lực, chẳng hạn như đe dọa thân nhân vẫn còn ở Trung Quốc.
Giới chức Mỹ cho hay họ đã biết được sự hiện diện của các đặc vụ Trung Quốc trên đất Mỹ bằng cách theo dõi những người này và trao đổi với những mục tiêu bị săn lùng. Mặc dù từ chối đưa ra nhận xét về thông tin do NYT đăng tải, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nhấn mạnh rằng việc các đặc vụ nước ngoài hoạt động tại nước này mà không được sự phê chuẩn của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ là một hành vi phạm tội.
Đầu năm nay, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố danh sách những nghi can trong các vụ trọng án kinh tế lẫn chính trị đã đào tẩu đến các quốc gia như Mỹ, Canada và Úc. Các nhân vật bị truy nã từng giữ nhiều chức vụ cấp cao, bị kết tội tham nhũng, biển thủ, hối lộ và lạm quyền. Danh sách này cung cấp thông tin một cách chi tiết về từng người đào tẩu, bao gồm họ tên, hình ảnh, giấy chứng minh, cũng như các điểm có thể đến của nghi phạm.
|
Bình luận (0)