Đại án kit test Việt Á: Có công thì khen thưởng, nhưng có sai phạm thì phải xử lý

10/01/2024 06:14 GMT+7

Ngày 9.1, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương tiếp tục làm việc với phần tranh luận.

Đau đớn, tha thiết xin giảm nhẹ hình phạt

Nằm trong số ít bị cáo tự bào chữa trước tòa, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt dành phần lớn thời gian để kể về "công trạng" chống dịch. Theo bị cáo, nhờ có kit test và công ty, nhiều ổ dịch đã được phát hiện và khống chế thành công, điển hình như ở Hải Dương, Bắc Giang, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)… Công ty Việt Á còn chủ động thúc đẩy triển khai việc xét nghiệm theo mẫu gộp, giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

Giống với vụ án đã bị Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội xét xử cách đây nửa tháng, Việt tiếp tục đề nghị được cân nhắc giữa công và tội. Riêng với hành vi vi phạm đấu thầu, Tổng giám đốc Việt Á khẳng định ở thời điểm đó không còn cách làm nào khác để làm cho đúng, "chỉ có sai phạm mới đóng góp được".

Nhìn lại toàn cảnh vụ kit test Việt Á trước khi tòa tuyên án

Đại án kit test Việt Á: Có công thì khen thưởng, nhưng có sai phạm thì phải xử lý- Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa

Trần Phan

Trong khi đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết mình là một trong 3 Ủy viên T.Ư (2 người còn lại là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh) bị đưa ra xét xử trong vụ án này. Việc bị khai trừ ra khỏi Đảng đã là hình phạt nặng nhất đối với bị cáo, khiến "toàn bộ sự nghiệp không còn gì". Ông nói, mức án mà Viện kiểm sát đề nghị dù đã thể hiện sự khoan hồng nhưng vẫn còn quá cao. Nếu xét theo địa phương, các bị cáo tại Hải Dương bị đề nghị tổng mức án cao nhất, do đó cựu bí thư tha thiết được giảm nhẹ hình phạt cho bản thân và các cựu cấp dưới.

Về phía mình, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật, Bộ KH-CN) bày tỏ sự đau đớn khi vướng lao lý, khiến mất đi thành quả hơn 30 năm công tác. Ông Hùng thừa nhận bản thân có vi phạm, tuy nhiên vẫn tự hào vì các mục đích khi tham mưu cho cấp trên phê duyệt đề tài nghiên cứu kit test đều đã đạt được, đó là bộ kit ra đời đúng vào "thời điểm lịch sử", đạt tiêu chuẩn chất lượng và kịp thời phục vụ phòng, chống dịch. "Đây có thể coi là thành tựu KH-CN đặc biệt trong thời gian qua", lời ông Hùng.

Vẫn theo cựu phó vụ trưởng, bản thân bộ kit test "không có tội lỗi gì", mà sai phạm chủ yếu nằm ở khâu xác định giá, nếu thẩm định giá, hiệp thương giá đúng quy định thì có lẽ "các bị cáo ở đây không ai phải đi tù". Đáng chú ý, ông Hùng thừa nhận việc nhận quà từ Phan Quốc Việt, nhưng mong được xem xét về hoàn cảnh. Bị cáo nói nhận vào các thời điểm lễ, tết, theo "truyền thống văn hóa", nhận vì đối phương cảm ơn, và nhận sau khi công việc liên quan đã hoàn thành.

Xem nhanh 12h ngày 12.1: Trùm Việt Á và 2 cựu bộ trưởng sắp lãnh án

"Kiếm lợi nhuận bất hợp pháp thì sao có thể xem là công"

Tranh luận lại với các bị cáo và luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định đây là vụ án có phạm vi liên quan rất lớn, tới 60/63 tỉnh, thành; vì thế, quá trình giải quyết, cơ quan tố tụng rất thận trọng. Một số luật sư cho rằng mức án đề nghị là quá nghiêm khắc, nhưng cần thấy thiệt hại cho nhà nước mà vụ án gây ra là rất nghiêm trọng, chính là tiền thuế người dân phải đóng; nếu số tiền này được sử dụng để giúp người dân, nhất là ở thời điểm dịch bệnh diễn ra, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Cũng có luật sư đề nghị xem xét công lao của các bị cáo, nhất là nhóm cựu cán bộ quản lý. Kiểm sát viên nhấn mạnh vụ án này có 6 tội danh; trong đó tội nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nhiều tội danh khác cũng có khung hình phạt trên 10 năm. Khi xem xét để đưa ra bản luận tội, Viện kiểm sát đã cân nhắc rất kỹ, trên cơ sở áp dụng tối đa các tình tiết giảm nhẹ cho mỗi bị cáo. "Có công thì khen thưởng, nhưng có sai phạm thì phải xử lý", đại diện Viện kiểm sát nói và cho hay mức án đề nghị đối với nhiều bị cáo "thấp hơn mặt bằng chung".

Tiếp tục nói về yếu tố "công" và "tội", nhưng là với Công ty Việt Á, kiểm sát viên cho hay, công ty này đã thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng. Thiệt hại này được xác định dựa trên khoản chênh lệch giữa giá mà Việt Á bán cho các cơ sở y tế với giá thực tế của kit test. Lời khai của Phan Quốc Việt cho thấy, Công ty Việt Á phải nâng khống giá kit khi hiệp thương để có nguồn tiền chi cho một số "bị cáo đang ngồi ở đây", vì thế lợi nhuận thu về là không hợp pháp.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, đi phòng, chống dịch để có lợi nhuận bất hợp pháp và dùng số tiền bất hợp pháp ấy để hối lộ, chi tiền phần trăm… thì không thể xem xét đến yếu tố có công chống dịch.

Cựu thứ trưởng nhận 50.000 USD chứ không phải 100 triệu

Cũng trong phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát bác bỏ lập luận của bị cáo Trịnh Thanh Hùng về việc không bàn bạc, thỏa thuận với Phan Quốc Việt về lợi ích vật chất. Kiểm sát viên đọc lại hàng loạt bút lục, cho thấy khi thực hiện đề tài nghiên cứu kit test, giữa 2 người này đã có nhiều nội dung trao đổi liên quan "cổ đông", "sợ mòn vân tay vì đếm tiền"… Đại diện cơ quan công tố khẳng định đã thu thập được rất nhiều dữ liệu để chứng minh hành vi phạm tội của ông Hùng cũng như một số bị cáo khác.

Đại diện Viện kiểm sát còn phản bác quan điểm của cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc và luật sư bào chữa khi cho rằng bị cáo này chỉ nhận 100 triệu đồng từ Phan Quốc Việt chứ không phải 50.000 USD. Kiểm sát viên cho hay, cơ quan tố tụng đã lấy lời khai rất kỹ đối với Việt và Vũ Đinh Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; các lời khai cho thấy Việt đưa tiền cho các cán bộ điều bằng tiền USD, không đưa cho ai bằng tiền VND.

"Luật sư đặt vấn đề Việt mang 200.000 USD từ Đà Nẵng ra Hà Nội thì qua cửa an ninh sân bay kiểu gì, nhưng cần lưu ý rằng đây là chuyến bay nội địa, không cần khai báo hải quan. Thậm chí, Việt còn có thể mang cả 1 triệu USD ra hối lộ cho bị cáo Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế - PV)", kiểm sát viên nói và khẳng định căn cứ buộc tội đối với ông Tạc là hoàn toàn khách quan, chính xác.

Các bị cáo nói lời sau cùng, tòa nghị án kéo dài

Tối muộn 9.1, phiên tòa kết thúc phần tranh luận. Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng, trước khi vào nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều 12.1 tới đây.

Đứng trước bục khai báo, các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận, mong được hưởng chính sách khoan hồng. Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định thời điểm xảy ra vụ án là giai đoạn rất khó khăn, cam go trong lịch sử ngành y tế; bản thân bị cáo và đồng nghiệp luôn cố gắng để chống dịch, cứu người, "chưa một giây phút nào được nghỉ ngơi, lúc nào cũng nghĩ phải giữ vững hệ thống y tế, cứu sống bệnh nhân". Trong khi đó, cựu Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh cảm thấy "thật đau xót, không có gì biện minh"; bị cáo thừa nhận sai phạm thì phải bị trừng phạt, đã phải trả giá bằng 581 ngày day dứt khi bị tạm giam, thậm chí sẽ đeo bám đến cả khi đã được trở về với xã hội.

Về phía mình, Phan Quốc Việt xin nhận toàn bộ trách nhiệm để giảm nhẹ cho các nhân viên công ty, đồng thời mong được hội đồng xét xử xem xét giữa đóng góp và sai phạm của bản thân khi lượng hình. Đặc biệt, Việt gửi lời tới các bị cáo là nhân viên Công ty Việt Á hãy "an yên, nhẹ nhàng", rằng "ở tù không ai muốn, nhưng nếu lỡ phải ngồi tù hãy biến cái nguy không ai muốn thành cái cơ không ai có, để chuẩn bị hành trang sau này vẫn có thể cống hiến cho xã hội".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.