(TNO) Dương Thanh Cường dùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp để vay tiền ở cả hai ngân hàng. Tại phiên tòa, cả Agribank và ngân hàng Phương Nam đều muốn lấy lại 23 giấy chứng nhận này.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Ngọc Lê |
Theo cáo trạng, ngày 4.2.2007, Agribank chi nhánh 6 ký hợp đồng tín dụng cho công ty Thanh Phát vay 700 tỉ đồng. Ngày 19.9.2008, ngân hàng đã giải ngân 628 tỉ đồng.
Trong số các tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay, công ty Thanh Phát có thế chấp cho Agribank 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ngày 10.4.2008, Dương Thanh Cường ký văn bản gửi Agribank chi nhánh 6 "xin mượn" toàn bộ 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên trong thời hạn 30 ngày để hoàn tất thủ tục pháp lý quyền sử dụng đất. Lãnh đạo Agribank ký duyệt cho mượn.
Lấy ra được 23 giấy chứng nhận này, Cường và Lê Thanh Hùng đem đến ngân hàng Phương Nam làm thủ tục thế chấp vay 190 tỉ đồng. Ngày 31.5.2008, Cường ký vay tiếp của ngân hàng này 130 tỉ đồng và 5.000 lượng vàng SJC. Với hai hợp đồng tín dụng trên, ngân hàng Phương Nam đã giải ngân tổng cộng 187,3 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng.
Ngày 17.2.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định thu giữ tang vật của vụ án gồm bản chính của 23 giấy chứng nhận do ngân hàng Phương Nam đang giữ.
Ngân hàng tranh sản
Trong phiên tòa diễn ra trong ngày 30.10, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Agribank chi nhánh 6 và ngân hàng Phương Nam đều đề nghị tòa tuyên trả 23 giấy chứng nhận này để đảm bảo khoản vay.
Tại tòa, luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Phương Nam, nay đã sáp nhập vào ngân hàng Sacombank) cho rằng trên thực tế ngân hàng Phương Nam không hề biết 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp tại Agribank chi nhánh 6.
Luật sư Lưu Văn Tám trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi của ngân hàng Phương Nam - Ảnh: Ngọc Lê
|
“Pháp luật không hạn chế quyền nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận của ngân hàng Phương Nam bởi vào thời điểm Agribank ký hợp đồng thế chấp, 23 giấy chứng nhận vẫn đứng tên các hộ dân, nhưng trong các hợp đồng thế chấp không có chữ ký cam kết thế chấp bảo lãnh cho công ty Thanh Phát của các hộ dân này; và không có giấy ủy quyền của các hộ dân này cho công ty Thanh Phát ký hợp đồng thế chấp tại Agribank chi nhánh 6”, luật Tám phân tích.
Luật sư Tám cho rằng Agribank chi nhánh 6 đã nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận nhưng không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định nên Agribank không có quyền hạn chế và ngăn cản bên thứ ba nhận thế chấp 23 tài sản đảm bảo này.
Từ đó, LS Tám khẳng định nếu Agribank không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định thì giao dịch bảo đảm của Agribank không có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, vị luật sư đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Agribank chi nhánh 6 kiến nghị Hội đồng xét xử tuyên trả 23 giấy chứng nhận mà công ty Thanh Phát đã thế chấp cho Agribank để đảm bảo số tiền vay.
Theo vị luật sư này, 23 giấy chứng nhận đã được công ty Thanh Phát thế chấp cho Agribank, sau đó Cường mượn lại nhưng không trả rồi mang thế chấp để vay tiền tại ngân hàng Phương Nam.
Bình luận (0)