Hãng AFP ngày 1.12 dẫn lời các chuyên gia bảo tồn cho hay một chú đại bàng Philippines con chào đời nhờ thụ tinh nhân tạo đã chết, bước lùi trong nỗ lực bảo tồn một trong những loài chim săn mồi lớn nhất và có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng nhất thế giới.
Quả trứng nở ra "đại bàng con số 30" vào tháng trước đã khơi dậy hy vọng rằng khoa học và công tác bảo tồn có thể cứu được loài chim săn mồi sống trong rừng này, nhưng kỳ vọng đã sớm bị dập tắt.
"Mất mát đau lòng này là lời nhắc nhở về việc nuôi chim con phức tạp như thế nào và các loài có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng đặc biệt dễ bị tổn thương như ra sao", tổ chức Quỹ Đại bàng Philippines (PEF) cho biết.
Là kết quả của quá trình thụ tinh nhân tạo thành công đầu tiên tại một cơ sở mới của PEF, chú đại bàng trống 17 ngày tuổi đã chết hôm 29.11. Dù thiếu cân, chú chim non này ban đầu vẫn có hành vi và thói quen ăn uống bình thường cho đến ngày 26.11, khi nó bắt đầu có biểu hiện khó thở và hắt hơi.
PEF cho biết nguyên nhân tử vong có thể do các biến chứng từ một tình trạng thường gặp ở các trang trại gia cầm, khi vi khuẩn xâm nhập qua vỏ trứng đang ấp hoặc gà con tiếp xúc với vi khuẩn sau khi nở.
Đại bàng Philippines, nổi tiếng với bộ lông đầu lộng lẫy và sải cánh dài 2 m, rất khó giao phối. Một số thậm chí còn giết chết những con muốn ghép đôi với nó.
Theo ước tính của PEF, chỉ còn 392 cặp đại bàng Philippines còn lại trong tự nhiên, trong đó chỉ có 30 cặp được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt. Mục tiêu của tổ chức này là thả đại bàng trở lại tự nhiên, nhưng chưa thành công lần nào trong 37 năm hoạt động.
Nhiều đại bàng Philippines chết do bị bắn hoặc bị điện giật khi đậu trên đường dây điện. Mỗi cặp cần môi trường sống ít nhất 4.000 ha rừng để săn vượn cáo bay, cầy hương, sóc bay và khỉ.
Bình luận (0)