Đại biểu chỉ rõ '3 bất thường đang xảy ra với doanh nghiệp'

Mai Hà
Mai Hà
01/06/2023 15:02 GMT+7

Dẫn ra các số liệu về doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng có một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động doanh nghiệp.

Góp ý thảo luận về tình hình hoạt động doanh nghiệp tại Quốc hội sáng 1.6, đại biểu Trần Thị Hiền nêu báo cáo Chính phủ cho biết, bình quân mỗi tháng có khoảng 19.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) thì cũng có tới 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tạm ngừng kinh doanh hoặc làm thủ tục giải thể).

Đại biểu chỉ rõ '3 bất thường đang xảy ra với doanh nghiệp' - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam)

GIA HÂN

Tính chung 4 tháng có 78.900 doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có tới 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong số đó có khoảng 27.000 doanh nghiệp (khoảng 35%) đã và đang làm thủ tục giải thể.

Theo đại biểu Hiền, những con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động doanh nghiệp.

Thứ nhất, số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số rút lui khỏi thị trường tương đương nhau, đây là điều chưa từng thấy. Theo dõi số liệu thống kê từ năm 2020, khi Quốc hội sửa luật Doanh nghiệp đến nay thì hàng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn rất nhiều so với số rời khỏi thị trường.

Thứ hai, con số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng có thể nói là mức tăng đột biến nếu so sánh với mức bình quân 11.900 vào năm 2022, 10.000 vào năm 2021, 8.500 vào năm 2020, 6.000 vào năm 1999.

Thứ ba, điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới như đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đại biểu đoàn Hà Nam cũng cho rằng, từ cuối năm 2022, dù từ cuối năm 2022 Chính phủ nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để gỡ khó, tăng cường khả năng chống chịu cho doanh nghiệp. Nhưng mức độ tác động và hiệu quả dường như chưa được như kỳ vọng.

Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi thông suốt.

Đại biểu Trần Thị Hiền

Theo đại biểu Hiền, việc thành lập hay giải thể doanh nghiệp là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến, đến mức bất thường số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cần được Chính phủ, Bộ KH-ĐT chỉ đạo đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở loại hình nào, lĩnh vực gì, quy mô vốn và nhân lực ra sao, nguyên nhân ngừng hoạt động…

Đây là cơ hội để có những giải pháp thực tế hơn, hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa. Trong bối cảnh một nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, những khó khăn chưa từng có tiền lệ, đã đến lúc cần nghiên cứu để có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất..., thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ để tạo đà phục hồi doanh nghiệp.

“Ngày 24.5, Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 14 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Tôi cũng mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có những chỉ đạo sâu sát, chia sẻ và hỗ trợ thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước", đại biểu Hiền khuyến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.