Đại biểu dân cử chưa mặn mà với chống tham nhũng

06/12/2012 14:58 GMT+7

(TNO) Đây là kết quả điều tra xã hội học về thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Mặt trận tổ quốc (MTTQ) trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) công bố tại Hội nghị Đối thoại PCTN lần thứ 11 với chủ đề “Công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương - Thực trạng và giải pháp”, diễn ra vào hôm nay 6.12.

Cuộc điều tra xã hội học do Thanh tra Chính phủ tiến hành từ tháng 9 đến tháng 11.2012 ở 42 tỉnh và thành phố với 328 đại biểu HĐND và 174 đại biểu MTTQ, trong đó phỏng vấn sâu 24 đại biểu HĐND, đại biểu MTTQ.

Kết quả cho thấy, có tới 53,6% đại biểu HĐND đã kiến nghị đưa nội dung liên quan đến hoạt động PCTN vào chương trình giám sát hằng năm, có 75% đại biểu HĐND nhận được đơn thư, điện thoại hoặc yêu cầu khiếu nại của cử tri liên quan đến tham nhũng... Tuy nhiên, trong đoạn 2005-2012, có 22 tỉnh báo cáo thực hiện được 184 đoàn giám sát thì chỉ có 81 lượt chất vấn liên quan đến PCTN.

Mặt khác, tham nhũng là vấn đề nóng ở các địa phương nhưng có tới 19,7% số đại biểu HĐND chưa rõ về tính công khai minh bạch của trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Về kết quả hậu giám sát hoặc giám sát, trong hai năm 2011-2012, không có người nào bị HĐND tỉnh bãi nhiệm; HĐND cũng không thể hiện được sự giúp đỡ hay bảo vệ người tố cáo tham nhũng hoặc bị cản trở, phân biệt đối xử tại 22 tỉnh có báo cáo. Có 70,4% số đại biểu HĐND chỉ đạt trung bình và dưới mức trung bình khi được đánh giá về thực hiện chức năng giám sát PCTN.

Kết quả giám sát của MTTQ có “nhỉnh” hơn HĐND như có tới 71,9% đại biểu MTTQ đã tham dự các cuộc nói chuyện đề cập đến vấn đề tham nhũng và PCTN (tỷ lệ này ở đại biểu HĐND là 61,7%).

Tuy nhiên, có trên 19% ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh không quan tâm/ít quan tâm đến vấn nạn tham nhũng tại địa phương. Các hoạt động giám sát còn ít và không thường xuyên, nhiều hoạt động còn bỏ ngỏ. Có trường hợp cơ quan MTTQ một tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2004-2009 chỉ góp ý được 1 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND/UBND tỉnh, và trong thời gian 2010-1012 cũng chỉ có 1 lần yêu cầu HĐND cung cấp thông tin về PCTN, ngoài ra không có hoạt động giám sát nào khác. Có 84,5% số ủy viên Ủy ban MTTQ cho rằng hoạt động giám sát chỉ đạt trung bình và dưới mức trung bình khi được phỏng vấn.

Không thể vừa "đá bóng vừa thổi còi”

Đánh giá nguyên nhân, kết quả điều tra xã hội học chỉ ra hầu hết đại biểu HĐND và MTTQ có trọng trách “kép”, tức là giữ các trọng trách về công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể. Có dấu hiệu nhận biết rằng: Ưu điểm của cơ cấu này là nhằm tăng quyền lực giám sát. Tuy nhiên, có 67,86% đại biểu HĐND cho rằng trọng trách “kép” ảnh hưởng “lớn” hoặc “rất lớn” đã làm hạn chế kết quả giám sát PCTN ở địa phương.

Bên cạnh đó, có 70% dân số sống ở nông thôn nhưng tỷ lệ đại biểu HĐND ở nông thôn chỉ đạt 13,72%, vì vậy công tác giám sát PCTN có thể gặp khó khăn ở nông thôn, ngược lại, đại biểu HĐND phần lớn tập trung ở đô thị hẹp nên dễ quen biết, vị nể lẫn nhau.

Nhìn nhận ở góc độ khác, kết quả điều tra xã hội học cũng chỉ ra rằng hệ thống pháp luật PCTN hiện nay quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của HĐND và MTTQ, nhưng điểm yếu là tình trạng “luật treo” quá lâu, cơ sở pháp luật của hậu giám sát chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó còn tồn tại cơ chế “xin - cho” dẫn đến tình trạng đại biểu e ngại chất vấn những người có quyền “cho”.

Mặt khác, có 97,56% số đại biểu HĐND và 91,38% số ủy viên Ủy ban MTTQ cho biết họ đã “bận rộn hơn” hoặc “bận rộn hơn rất nhiều” sau khi được bầu vào HĐND và ủy viên Ủy ban MTTQ.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.