Đại biểu hội đồng: Cần có cam kết về bài trừ thực phẩm độc hại

09/12/2015 08:00 GMT+7

* Ông Nguyễn Thành Phong được giới thiệu làm Chủ tịch UBND TP.HCM

* Ông Nguyễn Thành Phong được giới thiệu làm Chủ tịch UBND TP.HCM

Lãnh đạo TP.HCM trao đổi bên lề kỳ họp hôm qua - Ảnh: Diệp Đức MinhLãnh đạo TP.HCM trao đổi bên lề kỳ họp hôm qua - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP.HCM khóa 8 khai mạc vào hôm qua 8.12, nhiều đại biểu (ĐB) đánh giá vấn đề thực phẩm độc hại ở mức báo động, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân, trong khi đến nay chính quyền vẫn chưa có một biện pháp giải quyết căn cơ.

Tuyệt đại bộ phận người dân đều hết sức lo lắng, cực kỳ bức xúc khi đề cập đến vấn nạn thực phẩm độc hại nên cần phải có một sự cam kết cụ thể của chính quyền, là đến bao giờ thực phẩm độc hại không còn tồn tại nữa, chứ không thể lỏng lẻo trong việc quản lý

ĐB Nguyễn Văn Hiếu
ĐB Trịnh Xuân Thiều bức xúc: “Công tác quản lý địa điểm buôn bán, nguồn thực phẩm còn yếu kém. Thực trạng thực phẩm độc hại buôn bán tràn lan, tự phát khắp nơi nhưng hầu như việc kiểm tra, xử lý chưa tới nơi tới chốn. Thậm chí ngay cả thực phẩm bán trong siêu thị, người dân cũng không yên tâm”.
Trong khi đó, ĐB Văn Đức Mười cho rằng do công tác quản lý nhà nước thiếu kiên quyết và đồng bộ nên vẫn chưa giải quyết được cái “gốc” của vấn đề. Công tác thanh tra, kiểm tra kiểu “xuân thu nhị kỳ” chỉ giải quyết được phần “ngọn”. Dẫn thông tin “Mịt mờ nguồn gốc thịt heo” mà Thanh Niên ngày 8.12 phản ánh, ông Mười cũng rất bức xúc vì trên thực tế các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không phép tràn lan nhưng cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được.
Ông Mười đề nghị phải tổ chức thành công mô hình tập trung giết mổ công nghiệp, bài bản thì mới đảm bảo công tác quản lý được tốt hơn.
Theo các ĐB, Đại hội Đảng bộ TP khóa 10 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã đặt mục tiêu xây dựng TP có chất lượng sống tốt, nhưng nếu như không tập trung xử lý dứt điểm vấn nạn thực phẩm độc hại thì mục tiêu đó khó đạt được. TP đã có chủ trương, vấn đề cốt lõi còn lại là trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, rà soát, tập trung xử lý có hiệu quả, nghiêm minh của các cơ quan chức năng trước hành vi nuôi trồng, sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm độc hại.
“Tuyệt đại bộ phận người dân đều hết sức lo lắng, cực kỳ bức xúc khi đề cập đến vấn nạn thực phẩm độc hại nên cần phải có một sự cam kết cụ thể của chính quyền, là đến bao giờ thực phẩm độc hại không còn tồn tại nữa, chứ không thể lỏng lẻo trong việc quản lý”, ĐB Nguyễn Văn Hiếu nói. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Phạm Hưng Út đề nghị kỳ họp phải ra nghị quyết để đốc thúc, giám sát các cơ quan chức năng “làm tới nơi tới chốn việc bài trừ nạn thực phẩm độc hại”.
Tại kỳ họp, đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, khẳng định “có ưu điểm khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng đạt 9,8%, cao nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây, thu ngân sách ước thực hiện lên đến 267.955 tỉ đồng”. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc dân sinh chưa được giải quyết triệt để như quy hoạch “treo”, môi trường ô nhiễm, ngập nước, ùn tắc giao thông, giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ...
Kỳ họp sẽ tái chất vấn 7 nội dung trọng tâm, trong đó có vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, cho biết kỳ họp sẽ tiến hành bầu chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 5 ủy viên UBND TP (gồm Giám đốc Công an TP, Giám đốc Sở KH-ĐT, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở GTVT và Chánh văn phòng UBND TP). Theo thông tin từ kỳ họp, đối với chức danh chủ tịch, ông Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy, sẽ được giới thiệu để HĐND bầu, thay ông Lê Hoàng Quân đã làm 2 nhiệm kỳ từ 2006 đến nay.
Nhiều sai sót trong thực hành quyền công tố
Ngày 8.12, tại kỳ họp lần thứ 13, HĐND tỉnh Bình Phước khóa 8, ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng Viện KSND tỉnh thừa nhận còn nhiều sai sót trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra một số vụ án chưa cao. Điều này dẫn đến việc phải trả hồ sơ nhiều lần hoặc bị hủy điều tra lại làm kéo dài thời hạn giải quyết; công tác kiểm sát bản án dân sự phát hiện vi phạm để kháng nghị còn ít trong khi án bị hủy và sửa nhiều; kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử của một số kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...
Cùng ngày 12.8, HĐND tỉnh Bình Dương khóa 8 khai mạc kỳ họp lần thứ 18 nhằm xem xét, quyết định các nội dung thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, chỉ tiêu, phương hướng năm 2016 đồng thời quyết định nhiều vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, miễn nhiệm và bầu cử các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh.
Phước Hiệp - Đỗ Trường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.