(TNO) Thảo luận tại tổ chiều nay 2.6 về dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và dự luật Tạm giữ, tạm giam, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp chống bức cung, nhục hình trong quá trình tạm giữ, tạm giam.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án TAND TP.HCM cho rằng hiện đang có tình trạng nặng về điều tra mà nhẹ công tác phòng ngừa tội phạm - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Góp ý dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án TAND TP.HCM cho rằng, hiện đang có tình trạng nặng về điều tra mà nhẹ về công tác phòng ngừa tội phạm. “Trên thực tế các cơ quan điều tra đều có chỉ tiêu thi đua, mỗi năm triệt phá bao nhiêu vụ, khởi tố bao nhiêu vụ... cho nên khi phát hiện ra vụ án, người ta tập trung công tác điều tra để hoàn thành chỉ tiêu”, đại biểu Ánh nói.
Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Ánh, có sự tùy tiện và thiếu minh bạch ở chỗ khi trinh sát phát hiện ra một vụ nào đó thì có thể đồng ý khởi tố hoặc chỉ xử lý hành chính, trong khi ở khâu này, Viện kiểm sát giám sát cũng khó phát hiện. “Nếu thiết kế luật như bây giờ cũng không khắc phục được tình trạng này”, ông Ánh lo ngại.
Không nên mở rộng các cơ quan điều tra
Đại biểu Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TP.HCM băn khoăn về đề xuất Ủy ban Chứng khoán, Tổng cục Thuế có thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự.
Đại biểu Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TP.HCM băn khoăn về đề xuất Ủy ban Chứng khoán, Tổng cục Thuế có thể tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo ông Phong, thực tiễn cho thấy, ngay các cơ quan đã được pháp luật cho phép tiến hành một số hoạt động điều tra từ hơn 10 năm qua vẫn hầu như không dám sử dụng quyền của mình. Thay vào đó, các cơ quan này sau khi phát hiện vấn đề thì chỉ chuyển hồ sơ chứ ít khi dám ra quyết định khởi tố.
“Ví dụ Hải quan TP.HCM là cơ quan hùng hậu nhưng thống kê lại thì hầu như không có vụ việc nào cơ quan này khởi tố điều tra. Họ chỉ chuyển giao vụ việc thôi và có nhiều việc chuyển giao cũng buồn cười. Đây là vấn đề năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chứ không thuần túy dựa trên chuyên môn sâu, khả năng phát hiện tội phạm từ ban đầu”, đại biểu Phong nhận định.
Cùng tổ thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Đương không tán thành với việc mở rộng các cơ quan điều tra. "Đất nước có nhiều cơ quan điều tra quá cũng không nên, vì thế Bộ Chính trị đã có nghị quyết thu gọn để tập trung. Còn nếu mở rộng cho cơ quan thuế, chứng khoán thì Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải được đưa vào chứ”, ông Đương nói.
Cần tách biệt hoạt động giam giữ với cơ quan điều tra
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng người bị tạm giam, tạm giữ chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền thì các quyền khác phải được bảo đảm - Ảnh: N.Thắng
|
Đóng góp ý kiến cho luật Tạm giữ, tạm giam, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, luật cần được thiết kế phù hợp với luật Tố tụng hình sự sửa đổi, ở các quy định như mở rộng quyền tham gia của luật sư, quyền im lặng, việc sao chép tài liệu cho bị cáo, ghi âm ghi hình...
Theo phương án này của luật Tố tụng hình sự thì cần có quy định về phương án xây dựng buồng tạm giam, tạm giữ để đảm bảo có đủ điều kiện cho việc sao chép tài liệu cho bị cáo; bị cáo được giữ tài liệu trong buồng giam hay có kho riêng, quay phim ghi hình được thực hiện như thế nào là nguồn chứng cứ.
Đại biểu Đỗ Văn Đương ủng hộ việc tách hệ thống tạm giam, tạm giữ độc lập với cơ quan điều tra - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đóng góp cho dự luật Tạm giữ, tạm giam, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, nên tổ chức lại mô hình nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống ngành dọc. Hệ thống này vẫn thuộc Bộ Công an nhưng độc lập với cơ quan điều tra, để bảo đảm việc hỏi cung phải qua trích xuất, tránh sự tuỳ tiện... Phòng hỏi cung tại các trại tạm giam phải có máy ghi âm, ghi hình để chống việc bức cung, nhục hình.
Ủng hộ quan điểm của Ủy ban Tư pháp về việc người bị tạm giam, tạm giữ chưa bị coi là có tội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử..., các quyền khác của người bị tạm giam, tạm giữ cũng phải được bảo đảm, trong đó có quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác...
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị nghiên cứu quy định về việc nhiều trường hợp người bị tạm giam, tạm giữ là chủ doanh nghiệp sau này có thể được xác định là oan, hoặc hưởng án treo nhưng quá trình tạm giam, tạm giữ gây ảnh hưởng rất lớn, gây đình đốn doanh nghiệp, hệ lụy đến nhiều người khác.
Bình luận (0)