Khi im lặng là một quyền

02/06/2015 14:43 GMT+7

“ Quyền im lặng ” đang gây tranh cãi trên nghị trường tại Việt Nam thực ra là một quyền có từ lâu ở nhiều nước. Vậy tại sao nên áp dụng quyền im lặng?

"Quyền im lặng” đang gây tranh cãi trên nghị trường tại Việt Nam thực ra là một quyền có từ lâu ở nhiều nước. Vậy tại sao nên áp dụng quyền im lặng?
Nhân viên Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đọc lời thông báo về “quyền im lặng” cho nghi phạm - Ảnh: CBPNhân viên Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đọc lời thông báo về “quyền im lặng” cho nghi phạm - Ảnh: CBP
Trong các bộ phim hình sự Mỹ, bất cứ khi nào cảnh sát bắt một nghi phạm, họ cũng đều nói câu: “Anh có quyền im lặng. Mọi lời nói của anh sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa…”
Bầu chọn
Bạn có ủng hộ đưa quyền im lặng vào luật mới?
Một cách đầy đủ, thông báo của nhân viên thực thi pháp luật trong các trường hợp như vậy thường có nội dung: "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư".
Khi đọc nội dung lời cảnh báo này, nghĩa là cảnh sát thông báo cho nghi phạm quyền im lặng mà họ được hưởng, phải hiểu rõ hoặc tự nguyện từ bỏ. Bản buộc tội của cảnh sát sẽ không được thừa nhận (không có giá trị pháp lý) nếu nghi phạm chưa được thông báo về quyền im lặng. Nội dung lời thông báo của cảnh sát như nói ở trên có nghĩa là, nghi phạm có quyền không trả lời bất cứ câu hỏi nào cho đến khi có luật sư. Dĩ nhiên, cảnh sát có thể hỏi một số thông tin về quyền nhân thân như: tên gọi, ngày sinh, địa chỉ mà không cần thông báo quyền im lặng.
Như vậy, phải hiểu rằng, quyền im lặng của nghi phạm, bị can, bị cáo… không có nghĩa là họ cứ… im lặng trong suốt quá trình tố tụng. Nhưng nó thể hiện rằng, việc bất cứ một nghi phạm, nghi can, bị can, bị cáo nào bị thẩm vấn cũng cần phải có quyền được có luật sư bên cạnh để tránh bức cung, nhục hình, dẫn đến bị kết tội oan, sai.
Tuần trước, Quốc hội Việt Nam thảo luận về Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Một trong những điểm gây ra “sóng gió nghị trường” là việc đưa quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo vào dự thảo. Nhiều đại biểu ngành công an lo ngại quy định này sẽ gây ra khó khăn cho quá trình điều tra của cảnh sát.
Có đại biểu lo ngại rằng, “Các bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ, quyền được trình bày những ý kiến, hành vi của mình, chứng minh mình không phạm tội và có trách nhiệm giải thích chứ nếu im lặng là không có lý”.
“Quyền im lặng là rất vô nghĩa, nhất là nước ta trong giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí, nhận thức như thế. Nếu quy định quyền im lặng là không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, tính nghiêm minh pháp luật không cao... Có những vụ đánh người gây thương tích như thế mà im lặng không trình bày thì không được”.
Lại có đại biểu công an nói rằng: “Bị can, bị cáo không bị ép nhận tội nhưng đừng quy định một cách bắt chước nước ngoài là anh không cần phải khai báo”.
Dường như các đại biểu nói trên chưa hiểu hết quyền im lặng là gì và không hiểu nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng. Luật cũng quy định rằng, người bị tam giam, bị can, bị cáo không phải chứng minh mình vô tội. Có nghĩa là, việc chứng minh một người nào đó có tội, đó là trách nhiệm của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng. Nếu nói quyền im lặng gây khó khăn cho cơ quan điều tra, thì cũng có nghĩa, hạ thấp năng lực của cơ quan điều tra.
Ở một góc độ khác, quyền im lặng có thể hiểu là quyền có luật sư khi bị thẩm vấn. Nhưng thực tế, việc luật sư có mặt bên cạnh nghi can khi bị thẩm vấn chưa phải là một thông lệ, mặc dù tính phòng ngừa oan sai và tính tiến bộ của nó đã ít nhiều được thừa nhận. Chắc hẳn, nếu các nghi phạm, bị can, bị cáo… có luật sư bên cạnh khi bị thẩm vấn, việc “chết ở đồn công an” sẽ được giảm, và oan sai cũng theo đó mà giảm đi.
Chúng ta có quyền tưởng tượng rằng, nếu quá trình thẩm vấn ông Nguyễn Thanh Chấn có luật sư bên cạnh, có thể ông Chấn đã không bị ngồi tù oan 10 năm trời, để bây giờ, có thể ông sẽ mất nhiều năm nữa đi đòi bồi thường cho những tổn thất về tinh thần, danh dự.
Thế nên, cần phải nhắc lại một nguyên tắc rất khó dung hòa mà chúng ta đã nhiều lần nói đến: “không để oan sai, cũng không để lọt tội phạm”. Nguyên tắc này rất khác so với nguyên tắc mà nhiều nước tiến bộ đã áp dụng: “thà để lọt tội phạm, chứ không để xảy ra oan sai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.