Đại biểu Quốc hội: ‘Gian lận thi cử trầm trọng vậy mà có ai từ chức đâu’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/06/2019 21:40 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, đề nghị phải luật hóa các quy định của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, chẳng hạn như quy định từ chức.

Tha thiết đề nghị Quốc hội luật hóa vấn đề từ chức

Chiều 3.6, thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình năm 2019, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong 5 nguyên tắc xây dựng chương trình năm 2020, điều chỉnh năm 2019 trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông muốn nhấn mạnh nguyên tắc ưu tiên đưa vào chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của T.Ư, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư.
“Tôi nghĩ đây phải là một ưu tiên thực sự. Đảng lãnh đạo tuyệt đối. Các ý kiến của T.Ư, của Bộ Chính trị rất trí tuệ, rất đúng đắn và mang hơi thở cuộc sống. Tuy nhiên, để triển khai được phải có luật, phải được luật hóa”, ông Trí nêu.
Dẫn ví dụ nghị quyết T.Ư về nêu gương có nêu, cán bộ, đảng viên nhất là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên T.Ư nếu thấy mình sai, không đủ điều kiện, không còn tín nhiệm thì nên chủ động từ chức, đại biểu nguyên là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư so sánh: “Thực tế từ khi ra đời đến nay, đặc biệt qua vụ gian lận về thi cử trầm trọng như vậy, nhưng có mấy ai xin từ chức đâu. Cho nên tha thiết Quốc hội phải luật hóa về vấn đề từ chức”.

Ai cũng muốn làm đại biểu Quốc hội xuất sắc

Đại biểu là giáo sư ngành y cũng đề nghị trong việc xây dựng luật cần lắng nghe nhiều hơn các ý kiến phản biện của nhân dân, đặc biệt là các luật liên quan đến nhiều tầng lớp, nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi trong xã hội.
Dẫn ví dụ 2 dự án luật đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp là luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Trí cho rằng, cần công khai hơn việc xin ý kiến rộng rãi; lắng nghe nhiều hơn, xem xét kỹ hơn, đặc biệt là những ý kiến trái chiều.
“Quốc hội, Chính phủ mặc dù đã có kênh rồi nhưng phải sắc sảo hơn nữa để lấy ý kiến của nhân dân công khai, thuận lợi và xem xét thật sự. Xin nhấn mạnh chỉ có công khai, cởi mở, mạnh dạn tiếp thu mới đạt được sự đồng thuận cao thì luật mới có sức sống”, đại biểu Trí đề nghị.
Ở nước ta có hiện tượng ai cũng muốn là đại biểu Quốc hội, là đại biểu Quốc hội xuất sắc và cho rằng ý kiến của mình luôn đúng
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
Bên cạnh đó, đại biểu này cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, thậm chí các địa phương cũng có ngay các biện pháp thật hiệu quả và thật nghiêm khắc để hạn chế, ngăn chặn các ý kiến thiếu xây dựng, mang tính bôi nhọ tổ chức, nhất là nói về Quốc hội, đất nước, cá nhân, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội.
“Chúng ta tôn trọng dân chủ, thực thi dân chủ nhưng phải là dân chủ xây dựng. Chúng ta tôn trọng đối thoại nghiêm túc”, đại biểu Trí nói.
Dẫn câu trả lời của huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang-seo nói rằng ở Việt Nam có quá nhiều huấn luyện viên, đại biểu Trí cho rằng: “Đó là một sự thật. Ở nước ta có hiện tượng ai cũng muốn là đại biểu Quốc hội, là đại biểu Quốc hội xuất sắc và cho rằng ý kiến của mình luôn đúng".
Theo đại biểu Trí, cần thấy Quốc hội là dân chủ và Quốc hội phải theo đa số. Quốc hội là dân chủ khi phát biểu và đại biểu Quốc hội chỉ có quyền bấm nút thay mặt cử tri, nhưng chỉ được một nút, tức là bằng một phiếu. Nếu mình thuộc thiểu số thì phải chấp nhận, đó là nguyên tắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.