"Tôi biết họ biết nhưng họ không nói"
Thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chất lượng giám sát.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng hoạt động giám sát thể hiện quyền lực của Quốc hội, là một trong những hoạt động thực sự bổ ích. Tuy nhiên, chất lượng giám sát đôi khi lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của... đối tượng giám sát.
“Nơi nào địa phương chuẩn bị tốt, đoàn giám sát sẽ có nhiều thông tin, chất lượng giám sát cũng tốt hơn. Chỗ nào họ không muốn nói thì rất khó biết. Tôi ví dụ, đặt câu hỏi cho địa phương về việc tình trạng người Việt đứng tên cho người nước ngoài mua nhà có phổ biến không? Thường họ (địa phương - phóng viên) chỉ biết cười thôi. Họ bảo có, nhưng bao nhiêu họ không biết. Tôi biết họ biết nhưng họ không nói”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.
Hay trường hợp giám sát về an toàn thực phẩm. “Đoàn giám sát đến, họ bảo không có giấy (chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm - phóng viên), để em đi lấy về. 10 phút sau họ mang về một tờ giấy đã nhòe đi. Tôi cảm giác đó là 1 tờ giấy dùng cho cả chợ”, đại biểu Trí ví dụ thêm.
Tương tự, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng gần đây Quốc hội đã chọn đúng chủ đề để tiến hành giám sát tối cao trong và giữa 2 kỳ họp. Tuy nhiên, phương pháp giám sát vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc xâm nhập hiện trường, xâm nhập đối tượng chịu tác động của chính sách pháp luật vẫn còn hạn chế.
“Chúng ta về cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo của cơ quan chịu giám sát thay vì đi hiện trường kiểm tra trên thực tiễn, để so sánh báo cáo với thực tiễn thế nào, độ vênh ra sao; tâm lý, nguyện vọng của đối tượng tác động thế nào. Giám sát là mặt trái của lập pháp, là cách thức để Quốc hội kiểm tra tính đúng đắn của quy định của pháp luật do Quốc hội ban hành, nên phải xem xét rất kỹ lưỡng”, đại biểu nêu.
Thêm vào đó, đại biểu Vân cũng cho rằng công cụ giám sát của Quốc hội còn rất khiên tốn, khi việc huy động chuyên gia, phương tiện, thậm chí trưng cầu giám định để làm rõ nghi vấn đại biểu Quốc hội đưa ra vẫn còn yếu.
“Ví dụ khi xem xét tác động của chính sách pháp luật đối với đất đai đô thị, các thành viên đoàn giám sát chỉ tiếp cận được các báo cáo. Những vấn đề chuyên sâu như bảng giá đất, cần trưng dụng chuyên gia đánh giá cho sát, thì còn hạn chế”, đại biểu nói.
"Có đoàn giám sát quy mô rất lớn, hơn chục xe, còi ủ các thứ..."
Cũng có ý kiến tương tự về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cũng cho rằng cần nghiên cứu việc tăng cường phối hợp của đoàn giám sát với địa phương.
“Trên tinh thần tiết kiệm, đoàn giám sát của Quốc hội xuống, chúng ta (nên) đi với tinh thần gọn nhẹ, đủ thành phần. Thực tế có những đoàn quy mô rất lớn, xe trên chục chiếc chạy, còi ủ các thứ. Thành phần làm việc quyết định đến nội dung giám sát. Bố trí đội hình đi đến điểm giám sát cũng là vấn đề. Đề nghị cố gắng làm sao để giám sát khoa học hơn, chuyên nghiệp hơn và sẽ hiệu quả hơn”, đại biểu Hồng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội phải “nhạy cảm” hơn với các vấn đề xã hội nóng bỏng đang được cử tri quan tâm.
“Vừa qua có vấn đề rất nóng là tăng giá điện, là hoạt động của Bộ Công thương, thì báo cáo của chúng ta lại nói là chỉ có 3 đề xuất (chất vấn Bộ trưởng Công thương) thôi. Chỗ này tôi cho rằng 3 hay 1 đề xuất không quan trọng, quan trọng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội phải giúp Quốc hội đánh giá, xem xét, đưa vấn đề cho chuẩn chỉ để Quốc hội xem xét, trả lời cho nhân dân, cử tri. Đây là chỗ chúng ta phải nhạy cảm với các vấn đề mà người dân quan tâm”, đại biểu nói.
Có trường hợp báo chí bị yêu cầu gỡ bài không rõ lý do
Góp ý về chương trình giám sát, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng nên giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí, với lý do: “Còn không ít nơi, cá nhân ngăn cản, né tránh sự điều trần của báo chí. Cá biệt, có những nơi còn ngăn cản, hành hung phóng viên. Có hiện tượng lạm dụng báo chí để tuyên truyền lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Có trường hợp gỡ bài không rõ lý do. Báo chí đưa tin rất trung thực hoạt động của kỳ họp Quốc hội, nhưng vài tiếng sau bị gỡ”.
Đại biểu cho rằng cần thiết phải giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng để làm rõ mặt được, chưa được, mặt vi phạm để chỉnh đốn hoạt động báo chí trong thời gian tới.
|
Bình luận (0)