Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về lý do, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, không lý giải được vì sao lại thu hồi tài liệu này, chỉ nói “tài liệu đã được phát cho đại biểu để đại biểu nghiên cứu, sau đó thu hồi lại”.
“Quan điểm là vấn đề này không mật mỡ gì, vẫn cho báo chí vào trung tâm để nghe, đưa tin, chỉ không cung cấp tài liệu”, theo ông Sơn.
Câu hỏi này cũng được phóng viên đặt ra với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và được cho biết đây là “quy chế quản lý tài liệu của Quốc hội”.
Về việc báo cáo là “thu hồi” thì phóng viên nên ứng xử thế nào với nội dung báo cáo này, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, với nội dung báo cáo tóm tắt đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt Đoàn giám sát trình bày thì phóng viên có thể ghi âm để đưa tin.
Tuy nhiên, phóng viên không được tiếp cận với nội dung báo cáo giám sát đầy đủ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết chính ông “cũng rất suy nghĩ”.
“Tôi nghĩ tài liệu này đáng ra không cần thiết phải thu hồi. Thực ra là không nên. Đây là vấn đề công khai, không có vấn đề gì phức tạp tới an ninh quốc gia mà chúng ta phải thu hồi cả”, ông Nhưỡng nói.
Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ở phiên họp trù bị trước phiên khai mạc, ông và một số vị đại biểu khác cũng đã có ý kiến về việc tại sao không phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên giám sát.
Theo đại biểu Quốc, lẽ ra phải biểu quyết riêng việc có đồng ý là truyền hình trực tiếp phiên giám sát hay không, thì tại phiên trù bị lại chuyển thành biểu quyết có đồng ý với chương trình kỳ họp không, do đó, số đông đại biểu sẽ ủng hộ, vì giám sát chỉ là một phần nội dung của kỳ họp.
“Bản thân tôi cũng phải có trách nhiệm ủng hộ chương trình chung. Việc biểu quyết như thế không đúng, vì lẽ ra đang thảo luận nội dung gì thì lấy ý kiến riêng nội dung đó, chứ lại đi lấy ý kiến toàn bộ chương trình thì không đúng", ông Quốc nói.
Cũng theo đại biểu Quốc, giám sát về nội dung này thì chính người dân phát hiện nhiều hơn các cơ quan chức năng, cho nên để cho người dân nghe được thì họ sẽ hiểu được giám sát của Quốc hội có đi sát thực tế hay không.
“Chúng ta chỉ sợ tạo ra cái nhạy cảm nhưng bản thân đời sống đã nhạy cảm rồi. Đương nhiên, trong nhân dân có nhiều nhận thức khác nhau nên càng đưa thông tin chính xác bao nhiêu, chính thống bao nhiêu thì người dân càng có cơ sở để họ có thể tiếp nhận, chứ để mù mờ càng dẫn đến sự mù mờ trong dân thì càng không có lợi", đại biểu Quốc nêu quan điểm.
Bình luận (0)