Song, theo ông Nghĩa, cũng có cơ may để một người thoát nghèo vươn lên. Quan trọng nhất là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh, ứng phó mọi hoàn cảnh. Sự hỗ trợ của cộng đồng và chương trình mục tiêu của nhà nước mãi mãi chỉ là sự hỗ trợ khi các chủ thể có ý thức vươn lên.
Cho rằng Việt Nam không phải là nước đầu tiên thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, song theo ông Nghĩa, "chúng ta có tiền thì tiêu rất vội, nỗ lực giải ngân". Tuy nhiên, hiệu quả đo đếm có đến đúng đối tượng, để tạo sự chuyển biến cho cá nhân hay đến một vùng thì rất khó khăn.
Dẫn lại kinh nghiệm khảo sát tại Hàn Quốc, theo đại biểu Nghĩa, họ có chương trình Làng mới do Tổng thống Park Chung Hee phát động từ những năm 1970. Khi đó, hơn 3.000 làng xã mỗi làng được phát không 355 bao xi măng. Không giao mục tiêu, không giám sát, làng tự họp và quyết định làm gì. Với tinh thần mỗi cán bộ trong thôn, làng phải tự suy nghĩ xem sẽ làm gì trên mảnh ruộng của mình mới tạo ra thay đổi.
Sau đó bình chọn các làng xuất sắc, có làng làm đường, làng làm nhà văn hóa tùy mục đích… "Khi tư duy thay đổi rồi thì họ thúc đẩy những việc khác như xây dựng sản phẩm nông nghiệp, rồi từ làng mới đến xây dựng quốc gia hạnh phúc, phát triển kinh tế, cơ giới hóa nông nghiệp và đang ở giai đoạn công nghiệp hóa nông nghiệp", ông Nghĩa nêu và nhấn mạnh nhận thức của các chủ thể tham gia và quyền tự chủ là quan trọng nhất, không chỉ loay hoay với việc "đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương".
Bên cạnh đó, việc xác định hộ nghèo trong giáo dục còn gặp khó khăn. Ông Nghĩa cho biết, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà từng nói một ý là các em học sinh về quê xin xác nhận hộ nghèo là rất khó khăn. "Vì bây giờ hộ nghèo luân phiên, hoa thơm mỗi người hưởng một tí. Học phí thì cao nhưng xác nhận hộ nghèo để miễn giảm học phí rất khó khăn", đại biểu Nghĩa nêu thực tế.
Một nguyên nhân nữa là truyền thông xóa đói giảm nghèo rất quan trọng, nhưng cách giải ngân không hợp lý, chưa đi vào đúng đối tượng. Trong khi để giảm nghèo, ý chí vươn lên là quan trọng nhất. Đó là lý do tại sao gia đình khá giả ở nông thôn làm việc quần quật, nhưng cũng có một số người nghèo rất thong thả, chờ đợi.
"Người dân chưa yên tâm để thoát nghèo"
Cùng góc nhìn này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, "người dân chưa nhận thức được hết nên chưa mong muốn thoát nghèo". Người dân chưa muốn thoát nghèo vì các chương trình chưa đủ để người dân tin, chưa bền vững.
"Người dân chưa yên tâm để thoát nghèo, vì hết chương trình, hết dự án, nghèo lại hoàn nghèo. Do đó, cần quan tâm đến cách làm, chất lượng các chương trình đảm bảo mang tính bền vững cao. Khi đó, người dân mới không muốn quay lại nghèo", đại biểu Hạ nói.
Cũng theo ông, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khi đi tiếp xúc, cử tri đã kiến nghị với đoàn giám sát phải phân cấp phân quyền rõ hơn cho cấp tỉnh.
"Địa phương đã xây nhà rồi thì bây giờ đến nước sạch, thay đổi một chút lại phải lên T.Ư xin điều chỉnh lại, "đồng nào mua mắm đồng nào mua muối" như đại biểu Nghĩa nói rất khó khăn", đại biểu Hạ nhìn nhận và đề nghị T.Ư chỉ quản lý các chỉ tiêu nông thôn mới, cách làm như thế nào thì để tỉnh làm.
Bình luận (0)