Đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng có dám chất vấn Thủ tướng?

22/10/2014 18:33 GMT+7

(TNO) Tại thảo luận của Quốc hội chiều 22.10 về dự luật Tổ chức Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, cho rằng cơ cấu đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, đã xuất hiện những bất cập, thậm chí là xung đột trong thực tiễn.

>> Nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 40%
>> Đại biểu chuyên trách của Quốc hội không quá 35%
>> ĐBQH chuyên trách phải có năng lực tương đương vụ trưởng

Theo ông Nguyễn Tiến Sinh, tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội phải được quy định chặt chẽ, cụ thể để có thể lựa chọn được những người thực sự tiêu biểu, xuất sắc về đức và tài xứng đáng là đại diện cho nhân dân trong Quốc hội.

Đại biểu Sinh đề nghị nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn về tính tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân khi lựa chọn đại biểu. Bởi quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng tiêu chuẩn của các ứng viên khi tham gia ứng cử vào Quốc hội.

Về cơ cấu đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, theo ông Sinh, trong thực tiễn hoạt động đã xuất hiện những bất cập, thậm chí là xung đột của mô hình cơ cấu này, vì cử tri không biết khi nào các vị đại biểu làm nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, khi nào thì làm nhiệm vụ đại diện của cơ quan hành pháp.

“Khi quyết định các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Quốc hội về đề xuất của Chính phủ, đại biểu Quốc hội là thành viên của Chính phủ sẽ quyết định ra sao? Khi thực hiện quyền giám sát, liệu đại biểu là Bộ trưởng, là thành viên Chính phủ có dám chất vấn Thủ tướng? Một vị lãnh đạo ngành ở địa phương là đại biểu Quốc hội sẽ giám sát hoạt động của lãnh đạo chính bộ, ngành mình như thế nào? Đây là vấn đề lớn, không thể không đề cập trong dự thảo luật”, đại biểu Sinh nói. 

Không chọn người có chức vụ làm đại biểu chuyên trách

Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, đại biểu Quốc hội chuyên trách ngoài trình độ học vấn, còn phải từng trải qua thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ trong lĩnh vực mà đại biểu dự kiến tham gia.

“Ví dụ trong lĩnh vực tư pháp, đại biểu đọc hồ sơ phải biết oan sai, đọc báo cáo biết chỗ nào ngụy biện, chỗ nào thực chất. Nếu không thì chất lượng thẩm tra, giám sát sẽ rất hạn chế”, ông Đương nói.

 dai-bieu-do-van-duong
Đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Đương cũng cho rằng, không nên đưa các “quan chức” về làm đại biểu chuyên trách mà cần chọn những chuyên viên cao cấp, có ít nhất 15 năm làm thực tiễn, có khả năng đề xuất chính sách pháp luật, có kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, có kỹ năng phản biện.

“Đừng chọn người có chức vụ về. Người có chức vụ thì hay chỉ tay 5 ngón lắm”, ông Đương nói.

Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, ông Đương đề nghị bổ sung thêm cụm từ “trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân”. “Để mỗi khi phát biểu hay biểu quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, ví dụ như tới đây xem xét chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, cũng phải trên lập trường lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân để quyết định”, ông Đương nói.

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.