Đại biểu Quốc hội lo ngại bí mật kinh doanh, bí mật người dùng bị xâm phạm

Vũ Hân
Vũ Hân
29/05/2018 15:01 GMT+7

"Doanh nghiệp và người dân đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia mà không có lựa chọn nào khác" là lo lắng của một số đại biểu khi luật An ninh mạng ra đời.

Thảo luận về luật An ninh mạng sáng 29.5, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật quá rộng, đặt ra nhiều quy định không thực sự cần thiết đối với yêu cầu bảo vệ an ninh, nhưng lại tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp.
Đơn cử, tại điều 17 dự luật quy định các hành vi vi phạm bao gồm cả kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, huy động vốn, trò chơi cho nhận,... nghĩa là dự thảo đã điều chỉnh cả các vấn đề về kinh tế, dân sự không ảnh hưởng rõ rệt đến an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn đề nghị cân nhắc các quy định về thẩm quyền thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng liên quan đến các tổ chức là doanh nghiệp.
“Theo quy định của điều 24 dự thảo luật thì lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an được trao quyền kiểm tra, đánh giá an ninh mạng bao gồm cả hệ thống thông tin không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; tức là bao gồm cả thông tin được lưu trữ, chuyển tải trong hệ thống thông tin. Như vậy có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ, ứng dụng của doanh nghiệp”, đại biểu nêu quan ngại.
Theo đại biểu, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia mà “không có lựa chọn nào khác”. “Nguy cơ bị lạm quyền, bị nhũng nhiễu của người dân, doanh nghiệp là rất cao, nếu điều khoản này được áp dụng vào trong thực tế”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ lo lắng với đại biểu Tuấn, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ đồng ý với 1 vế của điều 24 quy định "lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an có thể kiểm tra đối với các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng", nhưng đề nghị xem lại vế "hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng".
“Nếu chúng ta mở rộng thế này thì cơ quan quản lý lúc nào vào (kiểm tra) cũng được. Cái này dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền thông tin của tổ chức và cá nhân”, đại biểu nêu quan điểm.
Ai là người quyết định thông tin trên mạng phạm luật hay không?
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lại bày tỏ băn khoăn nội dung điều 15 về “phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.
Theo đại biểu này, trong cuộc sống hàng ngày, ranh giới đúng - sai nhiều khi rất mong manh. “Ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Đó sẽ là một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Cho rằng dự luật mới trình Quốc hội được một kỳ và còn nhiều ý kiến tranh luận ở ngay trong các đại biểu cũng như dư luận xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, Quốc hội nên thận trọng xem xét trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này.
“Đây là luật có thể thay đổi rất nhiều môi trường kinh doanh, đầu tư của nền kinh tế Việt Nam - một nền kinh tế đang hòa nhập rất mạnh với thế giới. Chúng ta cần hết sức thận trọng, tránh những ví dụ không tốt đã xảy ra trên thế giới, như nước láng giềng Indonesia vừa ra một luật về quy định hệ thống thông tin và giao dịch điện tử năm 2017, ngay lập tức đã tạo ra một số hậu quả và hiện nay đang chuẩn bị sửa chữa”, đại biểu Hiếu khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.