Sẽ ra sao nếu Google, Facebook không cung cấp dịch vụ tại Việt Nam?

Vũ Hân
Vũ Hân
29/05/2018 10:26 GMT+7

Lo ngại quy định các DN cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam sẽ vi phạm cam kết quốc tế, các đại biểu cũng cho rằng điều này có thể cản trở quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Sáng 29.5, thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật An ninh mạng, trong đó bảo lưu quan điểm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet phải đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.
Một điểm mới là quy định này áp dụng cả với doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, như dự thảo cũ.
Theo thượng tướng Võ Trọng Việt, qua thảo luận tại kỳ họp trước, một số ý kiến đại biểu không nhất trí với quy định đặt máy chủ tại Việt Nam, vì “khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”... Một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam và một số tổ chức cũng đã có ý kiến góp ý.
Ông Việt cũng cho hay sau khi tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan; cân nhắc nhiều mặt; cũng như tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước là thành viên của WTO, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo không quy định nội dung đặt máy chủ ở Việt Nam trong dự thảo luật.
Tuy nhiên, điều khoản yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam được bảo lưu, và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước, do 4 nguyên nhân, theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ nhất, điều này đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng.
Thứ hai, điều khoản này phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.
Thứ ba, quy định trên cũng “tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Cuối cùng, quy định này đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế”; và “bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước”
Quy định hạn chế lợi ích chính đáng của dân
Góp ý về dự luật này, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đề nghị cần cân nhắc một số điều khoản để tránh chồng chéo không cần thiết, tạo ra quá nhiều rào cản, gia tăng gánh nặng với doanh nghiệp, cản trở sự sáng tạo, hạn chế lợi ích chính đáng của người dân Việt Nam.
Đại biểu Thủy cho rằng, yêu cầu các cơ quan tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ mạng phải đặt trụ sở, văn phòng đại diện tại Việt Nam là "khó khả thi, không phù hợp thực tiễn, khó khăn cho hoạt động tiếp cận thông tin của người Việt Nam”.
Đại biểu cũng dẫn cam kết WTO và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU quy định dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không giới hạn, trừ một số trường hợp cụ thể; nhưng các trường hợp loại trừ cũng không có đặt văn phòng đại diện, cơ quan đại diện tại quốc gia sử dụng dịch vụ, nên quy định như dự thảo Luật sẽ không đúng với cam kết quốc tế.
Nhấn mạnh việc máy chủ của các dịch vụ nhiều người Việt Nam sử dụng thường xuyên như Google, Facebook đều đặt ở nước ngoài, đại biểu Thủy lo ngại việc đặt ra các rào cản sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, trong bối cảnh nước ta chưa có bất cứ thương hiệu nào phục vụ được nhu cầu này.
Cùng băn khoăn, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) tuy nhìn nhận quy định về việc đặt văn phòng đại diện, đặt dữ liệu người dùng tại Việt Nam nếu thực hiện được sẽ hữu ích trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, nhưng lại lo ngại trước tình huống sẽ ra sao nếu quy định rồi mà các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebool không thực hiện? Liệu có cho ngưng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam hay không?
Vì vậy, theo đại biểu Thưởng, cần có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ hiện nay, cũng như cam kết của Việt Nam với nước ngoài; và pháp luật quốc tế.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) thì lo lắng đến sự chồng chéo, khi dự thảo luật đã cố gắng phân định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong luật An toàn thông tin mạng, nhưng “chưa có sự rạch ròi và vẫn còn giao thoa”. Điều này cũng được khẳng định trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Và như vậy, theo bà Dung, sẽ dẫn tới tình huống rất có khả năng sẽ có 2 danh mục thông tin quan trọng đều do Thủ tướng ban hành một cách độc lập; chịu sự điều chỉnh bởi 2 luật, và do 2 bộ cùng thực hiện quản lý nhà nước, nên nếu hệ thống xảy ra sự cố sẽ rất khó xác định trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.