Thêm luật An ninh mạng chưa rõ chắc chắn hay cồng kềnh hơn!

23/11/2017 10:35 GMT+7

Đại biểu Kim Thúy cho rằng chúng ta đã có 2 cái khóa chắc chắn để bảo vệ an toàn thông tin mạng , nếu thêm 1 khóa nhưng giao cho 1 người khác giữ chìa thì chưa rõ cồng kềnh hơn hay chắc chắn hơn?

Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về dự luật An ninh mạng sáng nay (23.11), đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã đưa ra nhiều lý do cho thấy chưa cần thiết phải có thêm luật này vì sự trùng lắp với các nội dung đã được các luật trước đó quy định.
Theo đại biểu này, nói về sự cần thiết, dự thảo luật đưa ra 10 lý do nhưng đều chưa thuyết phục. Ví dụ 3 lý do đầu tiên là "vì an ninh quốc gia", theo bà Kim Thúy thì đã có luật An ninh quốc gia điều chỉnh. Còn nếu nói về lĩnh vực bảo vệ thông tin mạng thì cũng đã được quy định trong luật An toàn thông tin mạng. "Các quy định của hai luật An ninh quốc gia và An toàn thông tin đã bao quát vấn đề an toàn thông tin mạng, giả sử nếu còn bỏ sót quy định nào đó thì cũng có thể rà soát bổ sung", đại biểu Thúy bày tỏ.
Tương tự, 3 lý do liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định tại chương 2 của dự luật này, theo bà Thúy chỉ là cụ thể hóa hướng dẫn các quy định bảo đảm an toàn thông tin mạng tại chương 2 luật An toàn thông tin mạng và Nghị định 85 hướng dẫn luật. Mặt khác, khái niệm hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia tại điều 3 của dự luật cũng trùng lắp khái niệm hệ thống thông tin quan trọng quốc gia tại điều 3 luật An toàn thông tin mạng. "Do đó đề nghị Chính phủ, Quốc hội cân nhắc kỹ xem có cần luật riêng không hay chỉ sửa luật An toàn thông tin mạng, An ninh quốc gia", đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu quan điểm.
Về sự thống nhất với hệ thống pháp luật, theo bà Kim Thúy, nếu có thêm luật này thì dẫn đến một việc do 2 cơ quan quản lý, vừa chồng chéo, vừa có khả năng làm khó cho dân. "Ví dụ như như điều 9 dự thảo luật An ninh mạng quy định Chính phủ quy định chi tiết danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong khi đó khoản 2 điều 26 luật An toàn thông tin mạng đã quy định Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì phối hợp các bộ xây dựng danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trình Thủ tướng ban hành. Để thực hiện điều này, tháng 5.2017 Thủ tướng đã có quyết định 632 ban hành danh mục này. Nếu thông qua luật này thì chắc chắn phải sửa luật An toàn thông tin mạng, sửa quyết định 632 nếu không thì sẽ có 2 bộ cùng quản lý vấn đề này", bà Thúy dẫn chứng.
Tương tự, một ví dụ khác được nữ đại biểu dẫn chiếu tiếp là khoản 3 điều 11 dự thảo luật An ninh mạng quy định Bộ Công an thẩm định năng lực, điều kiện với doanh nghiệp cung cấp dịch an toàn thông tin mạng đối với hệ thống quan trọng về an ninh quốc gia. Nhưng trước đó, khoản 1 điều 44 luật An toàn thông tin mạng cũng đã giao cho Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì cùng các bộ thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng. "Tức là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải 2 lần chịu thẩm định năng lực, điều kiện kinh doanh bởi 2 cơ quan quản lý khác nhau. Điều này không chỉ làm cho thủ tục hành chính cồng kềnh, phi lý mà còn dẫn đến bế tắc nếu kết quả thẩm định của hai cơ quan quản lý mâu thuẫn nhau. Giả sử doanh nghiệp chỉ nhận được 1 bộ cấp giấy phép thì việc thẩm định của bộ kia không có ý nghĩa gì. Còn nếu không được kinh doanh thì giấy phép của 1 bộ cũng không có nghĩa", đại biểu Thúy đặt vấn đề.
Vẫn theo ĐB Thúy, điều 16 dự luật này quy định việc đánh giá hợp chuẩn hợp quy về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng an ninh quốc gia, trong khi việc đánh giá hợp chuẩn, hợp quy về an toàn thông tin mạng đã được quy định ở điều 39 luật An toàn thông tin mạng. Nếu thông qua luật An ninh mạng thì 1 sản phẩm sẽ đánh giá hợp chuẩn hợp quy 2 lần. "Điều này có nghĩa là Quốc hội sẽ làm trái với nguyên tắc 1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính", bà Thúy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, với sự phù hợp của dự thảo luật với các điều ước quốc tế, theo bà Kim Thúy, điều 34 dự thảo này quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt máy chủ ở Việt Nam là trái cam kết của tổ chức WTO và hiệp định thương mại Việt Nam - EU, bởi theo các cam kết này thì dịch vụ viễn thông qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó cũng không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.